Những năm gần đây, ngành công nghệ thông tin (CNTT) đã thu hút các bạn nữ lựa chọn tạo dựng sự nghiệp cho mình. Nhiều dự án phần mềm của nước ngoài do nữ giới đảm nhiệm được các đối tác đánh giá cao bởi sự tỉ mỉ, nguyên tắc làm việc nghiêm túc và khoa học.
Cần tạo cơ hội cho nữ giới tham gia nhiều vào các hoạt động công nghệ thông tin. |
Những “bóng hồng” đam mê công nghệ
Nhiều “bóng hồng” tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã đạt được thành công nhất định trong lĩnh vực CNTT. Nhiều chuyên gia công nghệ còn cho rằng, một vài lĩnh vực CNTT như lập trình máy tính, kiểm thử phần mềm… do nữ giới đảm nhiệm sẽ ưu thế hơn nam giới bởi sự tỉ mỉ, cần cù, chăm chút đến từng chi tiết nhỏ.
Tuy nhiên, không ít bạn nữ chia sẻ, để theo đuổi ngành công nghệ, các bạn gặp phải rất nhiều rào cản về bất bình đẳng giới trong công việc, về áp lực thời gian và bị gia đình ngăn cản. “Khi tôi quyết định chọn học ngành công nghệ, gia đình không thích vì nghĩ con gái sẽ khó theo đuổi ngành này. Sau khi ra trường, làm dự án, công việc cũng có nhiều áp lực bởi thường xuyên phải thức khuya cùng đội, phải rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm... Nữ giới có thể thua nam giới về kiến thức thế nhưng một khi đã làm việc gì thì làm đến cùng”, Nguyễn Huỳnh Hoàng My, kỹ sư khối giải pháp của FPT Software Đà Nẵng cho hay.
Để có được thành công như hôm nay, cô nàng 9X này luôn cố gắng trau dồi kiến thức chuyên môn, học ngoại ngữ, có tinh thần cầu tiến trong công việc nên được các đối tác nước ngoài đánh giá cao. Hoàng My cho rằng, hiện lĩnh vực CNTT tiếp tục gia tăng trong các hoạt động đời sống xã hội như giáo dục, y tế… nên các bạn nữ có thể chọn lựa theo đuổi ngành công nghệ, nhưng quan trọng là phải có đam mê.
Lê Huỳnh Kim Ngân là một người có nhiều đóng góp cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam. Ngân hiện là nhà sáng lập của Twenty.vn và Action.vn, có nhiều năm kinh nghiệm mảng nghiên cứu thị trường công nghệ. Chia sẻ về quyết định theo đuổi ngành công nghệ, Kim Ngân cười tươi: “Tôi học ngành tâm lý học nhưng lại đam mê khởi nghiệp và IT vì nó luôn thay đổi, luôn cập nhật và luôn mới mẻ”.
Ngân cũng cho rằng, để thành công trong ngành công nghệ, các bạn nữ nên có những sáng tạo dựa trên nền tảng có sẵn, nguyên lý có sẵn, luôn áp dụng những nhu cầu thực tế vào sản phẩm để giải quyết được bài toán của người dùng.
Điều rất quan trọng khi theo đuổi ngành này là cần có sự tập trung và liên tục cập nhật kiến thức mới. Không riêng gì Kim Ngân, không ít bạn nữ “ngoại đạo” nhưng lại đam mê lĩnh vực CNTT, đồng thời sáng lập những “start-up” (nhóm khởi nghiệp) được các công ty công nghệ “săn đón”. Nhiều cuộc thi về thiết kế trò chơi điện tử, lập trình phần mềm… do các doanh nghiệp (DN) tổ chức cũng đã thu hút các bạn nữ tham gia với sự nhiệt huyết và tình yêu công nghệ không kém gì nam giới.
Có chính sách hỗ trợ
Các chuyên gia công nghệ cho rằng, DN cần phải có chính sách hỗ trợ để thu hút phụ nữ gia nhập vào lực lượng lao động của DN mình như thúc đẩy môi trường làm việc thân thiện, giảm áp lực về thời gian, tạo cơ hội cho nhân viên nữ làm việc tại nhà…; nhất là trong bối cảnh quan niệm bất bình đẳng giới trong ngành CNTT vẫn hiện hữu.
Điều này khiến nữ giới mất đi khả năng tiếp cận công nghệ để khám phá tiềm năng cũng như mở ra cơ hội nghề nghiệp mới. “Nữ cũng như nam, đều có chung cơ hội có việc làm trong ngành công nghệ. Không ít nữ CNTT thành công trong lĩnh vực này, đưa về nhiều dự án cho DN. Vì vậy, DN cần có chính sách hỗ trợ cho nữ nhân viên trong công việc cũng như mở ra cơ hội cho nữ giới dễ dàng tiếp cận trên sàn giao dịch việc làm”, ông Lý Đình Quân, Phó Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) chia sẻ.
Hiện nhiều DN CNTT tạo cơ hội cho nữ giới, đặc biệt từ trong nhà trường, nhằm tìm kiếm những tài năng trẻ. Chương trình “Giờ lập trình dành cho nữ giới” do Microsoft và Trung tâm CNTT Truyền thông Vietnet (Vietnet-ICT) tổ chức tháng 3-2016 thu hút hàng ngàn nữ sinh các trường học trên địa bàn thành phố tham gia. Đây được xem là sáng kiến hỗ trợ nữ giới tiếp cận tài nguyên khoa học máy tính dễ dàng hơn nhằm khai thác công nghệ, tối ưu hóa các hoạt động trong đời sống, góp phần xóa bỏ định kiến về phân biệt giới tính trong các ngành công nghệ. Hay sự kiện “Womentechmaker 2016” (tôn vinh nữ giới trong ngành công nghệ) do tổ chức Google Developer Group miền Trung phối hợp cùng Fablab và 9Startlab lần đầu tiên tổ chức tại Đà Nẵng cũng thu hút nhiều bạn nữ đam mê công nghệ tham dự.
Sự có mặt của nữ giới trong ngành công nghệ trở thành nhu cầu bức thiết của các DN CNTT. Vì vậy cần tạo cơ hội tốt hơn để thu hút nhiều hơn nữa nữ giới tham gia hoạt động vào ngành công nghiệp tưởng chừng “khô khan” này.
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN