* Thủ tướng chỉ đạo làm rõ nguyên nhân cá chết bất thường
Trước thông tin hàng loạt cá biển cũng như cá lồng bè ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế chết chưa rõ nguyên nhân, trong khi có nhiều nghi vấn cá bị nhiễm độc, người tiêu dùng của thành phố Đà Nẵng tỏ ra lo lắng, nhất là trong việc chọn thực phẩm là hải sản.
Mặc dù việc đánh bắt hải sản ở Đà Nẵng vẫn bình thường, nhưng người dân cần sớm có câu trả lời chính thức nguyên nhân cá chết để có cách ứng phó kịp thời, đồng thời bảo đảm cho sự phát triển thị trường thủy, hải sản cũng như du lịch biển miền Trung nói chung, Đà Nẵng nói riêng.
Người dân vẫn e dè khi mua hải sản. |
Ngư dân vẫn đánh bắt bình thường
Về vấn đề tác động của việc cá chết đến khai thác của ngư dân Đà Nẵng, trưa 25-4, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Huỳnh Văn Phương, Trưởng Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang khẳng định chưa có biến động gì; giá cả thủy sản vẫn bình thường, ngư dân vẫn đi khai thác hải sản.
Trước đó, ngày 24-4, ông Lưu Quang Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố) cho biết, ngành thủy sản thành phố đang theo dõi chặt chẽ diễn biến vụ cá chết dọc biển miền Trung, nhưng đến nay chưa có ảnh hưởng gì đến Đà Nẵng. Theo ông Khánh, mùa này ngư dân hầu hết đánh bắt vùng khơi – chủ yếu ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa nên ngư dân vẫn bán cá với giá ổn định…
Có mặt tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, trên cầu cảng số 2 và số 3, ngư dân vẫn bán cá cho các thương lái. Anh Cam (quận Sơn Trà), chủ tàu ĐNa 37089 làm nghề mực sà tại vùng biển Hoàng Sa cho biết, giá cả hải sản vẫn chưa biến động: “Mực sà được ngư dân thường xuyên bán cho thương lái với giá 170.000-180.000 đồng/kg và bây giờ cũng vậy. Mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường”.
Đó cũng là khẳng định của ngư dân Thanh Hòa, chủ tàu ĐNa 90679. Anh Hòa chỉ bức xúc việc cứ được mùa là mất giá, bị thương lái ép giá. Còn chuyện cá chết ở dọc biển miền Trung trong mấy ngày vừa qua thì chưa tác động đến chuyện giá cả và tâm lý của ngư dân Đà Nẵng.
Trong khi đó, anh Lê Văn Sang, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Hải Nhi – Chủ tàu dịch vụ hậu cần lớn nhất miền Trung ĐNa 90444 cho rằng, cá chết vừa qua dọc biển miền Trung chỉ ở gần bờ. Do đó, tàu khai thác xa bờ đem về cá to, nên giá cả bình thường, người dân yên tâm. Còn một thương lái tại Cảng cá Thọ Quang cho biết chỉ tiêu thụ cá được đánh bắt ở vùng lộng Đà Nẵng và ngoài khơi. “Chúng tôi không dại gì mà mua cá chết ở các nơi để bán, khác nào tự giết mình”, thương lái này cho biết.
Cần giải tỏa nỗi lo người tiêu dùng và du khách
Mặc dù vậy, việc cá chết dọc bờ biển miền Trung và một số trường hợp ăn cá bị ngộ độc thời gian qua đã ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng. Có mặt tại một số chợ, ghi nhận của chúng tôi cho thấy người dân ít mua cá biển hơn những ngày trước, nhất là những loại cá nhỏ.
Các loại cá ngừ, cá thu, cá nhám… được người tiêu dùng tin chọn nhiều hơn, vì đánh bắt ở ngư trường xa. Chị Hương (đường Tôn Đản, quận Cẩm Lệ) thường đi chợ chiều Hòa An để mua thức ăn. “Món ăn chính của gia đình là cá, chứ thịt nghe nói là có chất tạo nạc nên sợ lắm. Tuy nhiên, mấy ngày hôm nay nghe cá chết do nhiễm độc nên mình cũng ái ngại lắm”, chị Hương chia sẻ.
Tại chợ Thanh Khê 1 (quận Thanh Khê), người dân tập trung mua cá đồng như cá lóc, cá rô và tôm nuôi. “Mặc dù biển Đà Nẵng không bị gì, cũng chẳng ai đem cá chết ở ngoài kia vào đây bán, nhưng vì tâm lý nên mình cũng ái ngại. Do đó, mấy ngày qua mình chủ yếu ăn cá đồng, cá hồ và rau quả thôi. Nếu ăn cá biển, mình cũng chỉ chọn những con cá lớn, đánh bắt ở ngư trường xa”, chị Hải (phường Hòa Khê) nói khi chọn mua cá ngừ.
Còn anh Trường (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) cho biết, cách đây 3 ngày có mua cá nục bạc má về ăn, sau đó thấy lo, bây giờ tạm thời không dám đưa cá vào thực đơn nữa. Trong khi đó, anh làm việc ở quận Hải Châu và buổi trưa anh thường ở công ty, ăn cơm ở hàng quán bình dân và tạm thời bỏ món cá mà lựa chọn thịt, trứng, rau…
Người tiêu dùng lo lắng là có căn cứ, bởi họ sợ nhiều người bất chấp khuyến cáo để đưa nguồn cá từ các địa bàn bị cá chết trong thời gian qua vào Đà Nẵng tiêu thụ. Điều này cũng có lý do khi vào ngày 22-4, Công an Nghệ An bắt giữ một xe tải chở 15 tấn cá có mùi hôi được một chủ hàng thu mua từ các chợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An để đưa vào Nha Trang làm nước mắm.
Trước những lo lắng này, trao đổi về vấn đề kiểm soát nguồn hàng hải sản tại Cảng cá và Âu thuyền Thọ Quang, ông Huỳnh Văn Phương cho rằng, do tàu đánh bắt vào trực tiếp tại cảng, khi nhập hàng, tư nhân kiểm tra nếu đạt chất lượng thì người ta mua, còn kiểm soát nguồn hàng này đánh bắt ở đâu về rất khó. Nhưng ông Phương cũng tin tưởng rằng, tàu vào âu thuyền chủ yếu là tàu đánh bắt xa bờ, không thuộc hàng ven bờ ở các tỉnh vừa qua nên việc mua bán bình thường.
Được biết, trong 4-5 ngày tới mới có kết luận chính thức về nguyên nhân cá chết nêu trên; nhưng người dân và du khách mong có thông tin sớm hơn và phải chính xác để người dân cũng như du khách yên tâm trong việc lựa chọn thực phẩm và tắm biển, nhất là dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 đang đến gần. Đồng thời, từ đó bảo đảm việc tiêu thụ hải sản, không để ảnh hưởng đến giá cả, sản lượng đánh bắt của ngư dân; bảo đảm thị trường du lịch phát triển ổn định…
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ