.

Bay lên từ đôi cánh mới

.

Mới đây, người ta ví von, mảnh đất Quảng Nam sẽ tiếp tục bay lên mạnh mẽ hơn với đôi cánh mới: Khu đô thị Nam Hội An và Khu công nghiệp cơ khí ô-tô Chu Lai - Trường Hải mở rộng. Hai dự án “tỷ đô” ở hai đầu của mảnh đất gian khó và anh dũng một thời, như đôi cánh tiếp thêm sức mạnh để đất Quảng anh hùng vươn lên trong thời đại mới.

Phối cảnh dự án Khu đô thị Nam Hội An.
Phối cảnh dự án Khu đô thị Nam Hội An.

Dự án 4 tỷ USD Khu đô thị Nam Hội An

Theo quy hoạch, Khu đô thị Nam Hội An có diện tích 985,6ha thuộc 2 xã Duy Hải, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) và xã Bình Dương (huyện Thăng Bình, Quảng Nam), có tổng mức đầu tư 4 tỷ USD. Đây được cho là khu đô thị có vốn đầu tư lớn nhất tỉnh Quảng Nam và miền Trung từ trước đến nay.

Bắt đầu từ tháng 4-2016 và dự kiến hoàn thành vào năm 2035, dự án sẽ được phát triển với mục tiêu xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng phức hợp, giải trí có thưởng, khu vui chơi cao cấp tiêu chuẩn 5 sao, trung tâm văn hóa, thương mại dịch vụ với những hạng mục như khách sạn, khu nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại, chung cư, biệt thự, bến du thuyền…

Dự án được chia thành 7 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 được phát triển trên diện tích khoảng 163ha với mức đầu tư 500 triệu USD, gồm sân golf 18 lỗ có tiêu chuẩn thi đấu quốc tế, khu nghỉ dưỡng 1.000 phòng được thiết kế theo hình thức biệt thự hay khách sạn và quản lý bởi các thương hiệu nổi tiếng như Rosewood, New World…, khu trung tâm thương mại và các tiện ích đặc biệt khác.

Trong giai đoạn này bao gồm cả khu vui chơi có thưởng dành cho người nước ngoài. Với quy mô và tính chất của dự án, Khu đô thị Nam Hội An hứa hẹn đưa Quảng Nam vươn tầm thế giới về nghỉ dưỡng, như đô thị cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn - hai di sản văn hóa thế giới, đưa Quảng Nam vào danh sách những điểm đến nổi tiếng trên thế giới.

Theo lãnh đạo Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An, dự án này sẽ góp phần thay đổi diện mạo kinh tế-xã hội của toàn tỉnh Quảng Nam, biến khu vực khó khăn về kinh tế trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ, giải trí và dân cư đạt đẳng cấp quốc tế; cơ cấu lao động của địa phương sẽ thay đổi từ nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản tự phát sang dịch vụ du lịch có thu nhập cao hơn. Lao động địa phương được ưu tiên đào tạo về nghiệp vụ du lịch, ngoại ngữ, nâng cao trình độ kỹ năng để phục vụ không chỉ cho dự án mà cả các khu du lịch khác trong tỉnh và khu vực lân cận.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cho biết, giai đoạn 1 dự án sẽ được đưa vào khai thác trong năm 2019, tạo ra trên 2.000 việc làm với cam kết của nhà đầu tư trong việc đào tạo chuyên môn khách sạn, dịch vụ du lịch theo chuẩn quốc tế cho người dân địa phương, đồng thời đóng góp ngân sách dự kiến 100 tỷ đồng/năm. Theo kế hoạch xây dựng, hiện chủ đầu tư đã chuyển 6 triệu USD để hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Hoạt động sản xuất ở Công ty CP Ô-tô Trường Hải.
Hoạt động sản xuất ở Công ty CP Ô-tô Trường Hải.

Tạo cú hích mạnh mẽ từ công nghiệp ô-tô

Tại huyện Núi Thành, Công ty CP Ô-tô Trường Hải (Thaco) đầu tư Khu công nghiệp cơ khí ô-tô Chu Lai - Trường Hải mở rộng có diện tích 210ha, dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2018. Dự án gồm nhà máy xe con mới với công nghệ hàn laser và công nghệ sơn tân tiến nhất có công suất 100.000 xe/năm, nhà máy xe tải mới có công suất trên 100.000 xe/năm, nhà máy xe bus có công suất 5.000 xe/năm và xe mini bus 12 - 16 chỗ 10.000 xe/năm.

Dự án này góp phần phát triển tổ hợp các nhà máy công nghiệp hỗ trợ bằng giải pháp kết nối các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước với các nhà sản xuất linh kiện nước ngoài để cung ứng cho các nhà máy lắp ráp nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Qua đó, triển khai sản xuất động cơ, máy móc phục vụ nông nghiệp nhằm phát triển Chu Lai trở thành trung tâm cơ khí đa dụng miền Trung theo đúng chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô-tô đã phê duyệt.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Thaco, ông Trần Bá Dương cho biết: Từ khi đầu tư tại Khu Kinh tế mở Chu Lai năm 2003 đến nay, Thaco đã hình thành nên một khu phức hợp có diện tích đất gần 400ha; bao gồm 24 nhà máy sản xuất, lắp ráp ô-tô và sản xuất linh kiện phụ tùng với các dây chuyền thiết bị hiện đại được chuyển giao từ các đối tác châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Bên cạnh đó còn có trường cao đẳng nghề đào tạo trung cấp và kỹ sư thực hành, cảng biển và kho bãi diện tích 173ha, 2 tàu biển trọng tải 10.000 tấn, với tổng vốn đầu tư đến thời điểm hiện nay gần 28.000 tỷ đồng và tổng số nhân sự gần 8.000 kỹ sư, chuyên gia kỹ thuật, công nhân lành nghề được huấn luyện đào tạo bài bản.

Từ năm 2014, Thaco vươn lên vị trí dẫn đầu tại thị trường Việt Nam và năm 2015, Thaco tiếp tục dẫn đầu với tổng số xe bán ra 80.421 xe, chiếm 38,6% thị phần Hiệp hội các nhà sản xuất ô-tô Việt Nam. Tổng doanh thu hợp nhất đạt 45.800 tỷ đồng, tương đương 2 tỷ USD từ sản xuất lắp ráp, giao nhận vận chuyển đến hoạt động phân phối, bán lẻ và dịch vụ sau bán hàng.

Tổng nộp ngân sách trong năm 2015 là 13.856 tỷ đồng, trong đó tại tỉnh Quảng Nam 10.096 tỷ đồng. Năm 2016, Thaco đề ra kế hoạch tổng nộp ngân sách 20.018 tỷ đồng, trong đó tại tỉnh Quảng Nam 15.178 tỷ đồng. Đây cũng là kết quả lớn của Quảng Nam khi kêu gọi thu hút đầu tư được các doanh nghiệp lớn về đầu tư trên địa bàn. Không chỉ đóng góp lớn vào ngân sách, các dự án lớn này giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.

Chính vì vậy, từ vùng đất gian khó mà anh dũng, kiên cường năm xưa, với đôi cánh này, mọi người có đủ niềm tin rằng, Quảng Nam sẽ tiếp tục cất cánh trong giai đoạn hội nhập một cách bền vững, trường tồn hơn…

Phương Uyên

;
.
.
.
.
.