.

Giải pháp nào để đẩy mạnh hợp tác công - tư

.

Hợp tác công - tư (PPP) là “chìa khóa” để loại bỏ hoàn toàn cơ chế “xin - cho” và thực hiện một nền hành chính công đơn giản hóa và minh bạch. Việc triển khai mô hình hợp tác công-tư là hướng đi đúng đắn của thành phố Đà Nẵng nhằm giảm gánh nặng ngân sách địa phương trong đầu tư công, giảm nợ công và nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước.

Khu du lịch Hải Vân - một trong những dự án kêu gọi đầu tư PPP của thành phố.
Khu du lịch Hải Vân - một trong những dự án kêu gọi đầu tư PPP của thành phố.

Nhận thấy những ưu điểm mà hình thức đầu tư theo mô hình này mang lại, thời gian qua, Đà Nẵng đẩy mạnh kêu gọi hợp tác công - tư trong nhiều dự án lớn của thành phố. Tuy nhiên, đến nay, hình thức đầu tư này chưa phát triển. Hiện tại, thành phố công bố 19 danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, với tổng vốn đầu tư dự kiến 16.470,3 tỷ đồng.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, trong số 19 dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP lần này, có nhiều dự án có mức vốn đầu tư lớn như: dự án xử lý nước thải trong Khu công nghiệp Hòa Khánh với tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng; dự án xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên (2.385 tỷ đồng); dự án xây dựng tuyến đường Trục 1 Tây Bắc (371 tỷ đồng); các dự án xây dựng đường và cầu qua sông Cổ Cò (207 tỷ đồng); dự án xây dựng Cảng Liên Chiểu (4.000 tỷ đồng), dự án Khu công viên phần mềm số 2 (2.828 tỷ đồng); dự án đầu tư xây dựng chợ Đầu mối gia súc, gia cầm, nông sản (668 tỷ đồng); dự án Quản lý chất thải rắn thành phố, xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sử dụng công nghệ đốt rác, phát điện (2.200 tỷ đồng); dự án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn (2.000 tỷ đồng)...

Với mức đầu tư lớn như vậy, trong khi nguồn vốn ngân sách thành phố còn nhiều khó khăn, chưa bảo đảm đáp ứng nhu cầu tái cơ cấu đầu tư công đối với các công trình hạ tầng quy mô lớn. Vậy làm thế nào để các dự án này sớm triển khai?

ThS Võ Văn Toàn, Giám đốc Công ty CP Đầu tư - Tư vấn kỹ thuật xây dựng Kỹ Việt cho rằng: Với cách thức dùng đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư, trước hết, để các dự án PPP trên địa bàn thành phố sớm tìm được các nhà đầu tư tư nhân thì thành phố cần tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, hiệu suất đầu tư cao, chính sách, quyền lợi của nhà đầu tư được cam kết chắc chắn.

Đồng thời dự án vận hành ở cơ chế mở; cùng với đó là những cải cách về mặt thể chế, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp tư nhân phát huy nội lực, nâng cao sức cạnh tranh hơn nữa. Ngoài ra, cần nâng cao tính khả thi của các dự án PPP, bảo đảm cho nhà đầu tư có mức lợi nhuận hợp lý khi tham gia dự án. Song song đó, cần xác định rõ vai trò của Nhà nước và tư nhân trong các dự án PPP, qua đó giải quyết được các vấn đề, như hai bên tham gia đến đâu, trách nhiệm ra sao, quyền lợi thế nào…

Đồng thời, bản thân dự án phải làm rõ được sinh lời ở đâu, bao nhiêu thì mới hấp dẫn nhà đầu tư... Cũng theo ông Toàn, đúc kết kinh nghiệm từ các địa phương đã triển khai đầu tư theo phương thức PPP cho thấy, hình thức đầu tư này đã có những tác động tích cực trong việc nâng cao năng lực quản lý, tăng nguồn thu và giảm thiểu rất nhiều chi phí từ ngân sách. Do đó, Đà Nẵng cần đẩy mạnh hơn nữa các dự án PPP.

Trong khi đó, ông Hồ Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Việt Anh cho rằng, để thu hút đầu tư PPP, thành phố đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính; khi xây dựng dự án PPP phải bảo đảm những quy định như phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của thành phố; phù hợp với lĩnh vực đầu tư theo quy định; có khả năng thu hút và tiếp nhận nguồn vốn thương mại...

Muốn vậy, thành phố cần ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính và kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh để đẩy nhanh tiến độ đầu tư.

Bài và ảnh: Phương Uyên

;
.
.
.
.
.