.

Giao thông đi trước

.

Bây giờ đến bất cứ thôn, xóm nào trên huyện Hòa Vang đều có đường làng, ngõ xóm khang trang, rộng rãi. Giao thông đi lại thuận tiện tạo điều kiện đời sống của người dân không ngừng được nâng lên, kinh tế phát triển… Cuộc sống sôi động nhưng vẻ thanh bình hiện ra mỗi ngày như trong làng có phố hay trong phố có cảnh làng quê.

Nhiều tuyến đường mới được đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện Hòa Vang như ĐT 602, ĐT 605 hoặc đường Hoàng Văn Thái được thiết kế theo cấp đường nội thị với đầy đủ hạ tầng. Trong ảnh: Đường Hoàng Văn Thái  kết nối đô thị Đà Nẵng với các xã phía tây bắc huyện Hòa Vang.
Nhiều tuyến đường mới được đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện Hòa Vang như ĐT 602, ĐT 605 hoặc đường Hoàng Văn Thái được thiết kế theo cấp đường nội thị với đầy đủ hạ tầng. Trong ảnh: Đường Hoàng Văn Thái kết nối đô thị Đà Nẵng với các xã phía tây bắc huyện Hòa Vang.

Cuối năm 2015, trong chuyến công tác về xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang,  chúng tôi ngỡ ngàng trước sự đổi thay ở vùng đất này. Nhiều tuyến đường liên thôn chẳng khác gì đường nội thị kết nối nhau để những chiếc ô-tô, xe máy ngược xuôi. Hai bên đường trải dài những vạt rừng keo lá tràm xanh biếc. Đường vào khu dân cư là những luống hoa tươi tỏa hương sắc ven tường rào, cổng ngõ. Để có những tuyến đường đó phải kể đến sức dân. Chuyện người dân Hòa Vang hiến đất mở mang đường sá đều xuất hiện ở bất cứ thôn, xóm nào. Bà Ngô Thị Nguyệt, ở thôn Hòa Phát, xã Hòa Phú là người hiến gần 15m2 đất thổ cư của gia đình để mở rộng đường, chia sẻ: “Mặc dù biết gia đình mình sẽ mất đất, nhưng được cái lợi là có đường sá khang trang hơn, giúp nhiều người vận chuyển lúa vào bờ dễ dàng, giảm công lao động”. Gần đó, gia đình ông Bùi Văn Vinh hiến hơn 100m2 đất. Ông Vinh bày tỏ: “Hiến đất để mở đường thì lợi cho mình, lợi cho cả xóm và con cháu sau này. Đường giao thông khang trang thì cuộc sống gia đình mình cải thiện theo. Đất đai thì ai cũng quý, nhưng nếu hiến một chút mà nhiều người hưởng lợi, lại là cái lợi mang tính lâu dài thì đây là một việc nên làm”.

Ở xã Hòa Phước, thôn Trà Kiểm là điểm sáng về phong trào làm đường giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nhờ sự đồng thuận của nhân dân, toàn bộ đường kiệt, hẻm ở thôn Trà Kiểm được mở rộng từ 1,5m và 2m, rồi nâng lên quy cách mặt cắt đường đến 3,5m- 5m...

Hàng loạt gia đình hiến đất làm đường. Bây giờ ở Trà Kiểm có đường khang trang, ô-tô vào đến tận cuối xóm. Có đường rộng, tường rào, cổng ngõ được sửa lại, nhìn nhà ai cũng sáng sủa, đẹp hẳn ra. Đi đầu trong việc thực hiện chủ trương này là bà Lê Thị Hiên, người hiến gần 600m2 đất để góp phần làm con đường bê-tông liên thôn.

Với nhiều người, nhiều khi chặt một cành cây còn thấy tiếc, vậy mà khi làm đường qua khu đất nhà mình, họ không ngần ngại đốn bỏ cây lâm nghiệp, cây ăn quả, rồi phá vườn rau, lấp ao cá… nhường đất lấy chỗ cho con đường đi qua.

Đến với Hòa Phong hôm nay dễ dàng nhận thấy bộ mặt nông thôn đã được đổi mới. Những con đường lầy lội, thường xuyên bị ngập úng ngày nào giờ đã được thay mới bằng những con đường bê-tông kiên cố dẫn đến từng thôn hay từng khoảnh ruộng.

Người dân thôn Bồ Bản 1 phấn khởi cho biết, từ khi có chương trình xây dựng nông thôn mới, quê hương thay đổi nhanh hơn so với những năm trước đây khi nhà cửa xây lại hoặc xây mới khang trang, đường sá đi lại thuận tiện...

Tuyến kênh mương nội đồng vắt qua làng nay được mở rộng hình thành tuyến đường giao thông kết nối hai xã Hòa Phong - Hòa Khương. Trong 5 năm qua, nhân dân đã hiến trên 200.000m2 đất, tham gia hơn 44.650 ngày công, chặt cây, phá dỡ tường rào, cổng ngõ để làm đường giao thông. Người dân đã thực sự làm chủ thể trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới trên quê hương và đồng đất của mình.

Ở Hòa Vang hiện có nhiều tuyến đường không thua kém đường nội thị như đường ĐT 602, ĐT 605 đều rộng 15m, thảm nhựa phẳng lì và đều có vỉa hè mỗi bên 6m lát gạch hẳn hoi. Suốt tuyến, hệ thống điện chiếu sáng với những cột đèn cao áp kết cấu trang nhã càng làm cho đường ở khu vực nông thôn chẳng khác gì đô thị.

Đêm đến đèn đường sáng trưng. Cùng theo đó, hệ thống cây xanh đúng chuẩn được trồng suốt tuyến. Nhiều tuyến đường ở Hòa Vang được thiết kế theo quy chuẩn đường nội thị như đường Hoàng Văn Thái - Bà Nà - Suối Mơ; Cầu Đỏ - Túy Loan; đường ĐT 605, đường từ Bắc Thủy Tú đi thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc. Rồi đường từ xã Hòa Tiến đi Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang, đường từ xã Hòa Phú đi Hòa Ninh…

Song song với việc nâng cấp, làm mới những con đường khang trang hiện đại, nhiều cây cầu quy mô lớn trên địa bàn huyện cũng được đầu tư xây dựng. Nhiều tuyến đường mở rộng từ 3,5m lên 5,5m, thậm chí lên 7m, kết cấu bê-tông nhựa hoặc bê-tông xi-măng. Hạ tầng giao thông nông thôn ở huyện Hòa Vang được đầu tư khá cơ bản và hoàn thiện khi 100% thôn xóm có đường ô-tô đã bê-tông hóa hoặc thâm nhập nhựa đến tận nơi, trong đó không ít đường kết cấu xây dựng quy mô đường đô thị, góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa ở các làng quê.

“Qua 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới ở Hòa Vang, điều phấn khởi là sản xuất được đẩy mạnh, nâng cao về thu nhập, đời sống nông hộ được cải thiện; đường làng ngõ xóm xanh, sạch, đẹp”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đặng Phú Hành phấn khởi nhận xét.

Trong 5 năm qua, huyện đã có thêm 244km đường giao thông nông thôn, kiệt hẻm, nội đồng  được đầu tư cứng hóa. Trong đó đường trục xã, liên thôn phát triển thêm 57,7km; đường trục thôn, xóm, kiệt hẻm là 172,2km; đường trục chính nội đồng 14,2km.

Ngoài ra có 71 công trình thủy lợi đầu tư nâng cấp, sửa chữa và kiên cố hóa 55,4km kênh mương; đầu tư 35 công trình điện chiếu sáng, 103,7km hệ thống điện phục vụ sản xuất; xây mới, nâng cấp, sửa chữa 143 công trình trường học các cấp; xây mới, sửa chữa 7 công trình chợ; xây mới, nâng cấp 100 nhà văn hóa thôn, 11 trung tâm văn hóa - thể thao; trùng tu 5 đình làng. Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Hòa Vang giai đoạn 2010-2015 hơn 2.411 tỷ đồng; trong đó nhân dân đóng góp 392,35 tỷ đồng (chiếm 16,27%).

 Cùng với nội lực, huyện Hòa Vang được tiếp nhận các nguồn lực xã hội khi cả thành phố cùng hướng về Hòa Vang để chung tay xây dựng nông thôn mới. Hơn 127 lượt cơ quan, đơn vị về địa phương hỗ trợ với tổng kinh phí trên 117 tỷ đồng, thực hiện nâng cấp và xây mới nhiều công trình giao thông, thủy lợi, nước sạch; xây mới, sửa chữa, nâng cấp, đầu tư trang thiết bị cho trường học, nhà văn hóa, nhà cộng đồng phòng tránh thiên tai ở các thôn; công trình thể thao, hỗ trợ phát triển sản xuất, an sinh xã hội…

Bài và ảnh: Triệu Tùng

;
.
.
.
.
.