.

Hiệp hội Lương thực Việt làm gì khi Thái Lan xả kho gạo "khủng"?

.

Mới đây, Chính phủ Thái Lan có thông báo sẽ bán toàn bộ khoảng 11,4 triệu tấn gạo dự trữ trong vòng 2 tháng tới (tháng 5 và tháng 6) với mục tiêu thu về hơn 2,8 tỷ USD.

Bốc xếp gạo xuất khẩu tại Cảng Nhà Bè. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại Cảng Nhà Bè. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Dù đây không phải là lần đầu tiên Thái Lan xả kho gạo dự trữ nhưng được xem là lần bán gạo ra thị trường thế giới lớn chưa từng có trong lịch sử xuất khẩu lúa gạo của Thái Lan, với lượng gạo “khủng” nhiều hơn cả số lượng xuất khẩu trong cả năm (trung bình mỗi năm nước này xuất khẩu khoảng 10 triệu tấn gạo).

Thông tin này đã khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam lo ngại về sự cạnh tranh về giá cũng như thị trường xuất khẩu gạo trong thời gian tới.

Gạo Việt chưa lo ảnh hưởng

Trao đổi với phóng viên báo điện tử VietnamPlus, ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối cho hay, việc Thái Lan công bố xả bán trên 11 triệu tấn gạo trong vòng 2 tháng có khả thi hay không là một chuyện nhưng cũng sẽ ảnh hưởng đến thị trường gạo thế giới theo luật cung-cầu và có thể sẽ có những xáo trộn nhất định. Tuy nhiên, đối với thị trường gạo Việt trước mắt sẽ chưa có sự ảnh hưởng.

“Vừa qua tôi có ngồi làm việc với Hiệp hội lương thực, thông thường hàng năm Thái Lan xuất cảng hết công suất mỗi tháng được 400.000-500.000 tấn gạo, nhưng nay nói xuất hơn 11 triệu tấn, thì không biết đây là công bố thật hay mục đích thông tin nhằm đảo lộn giá cả thị trường,” Cục trưởng Lê Văn Bảnh chép miệng nói.

Thông tin từ Hiệp Hội lương thực Việt Nam cho biết, tính đến ngày 30/4, Hiệp hội đã xuất khẩu gạo tăng khoảng 38% so với cùng kỳ năm 2015.

Đại diện Hiệp hội lương thực Việt Nam cũng cho biết, cuối quý Bốn năm 2015, Việt Nam đã ký được các hợp đồng tập trung giao hết quý Bốn năm 2015 và gối đầu quý Một và quý Hai năm 2016. Hợp đồng đã ký tới đây phải giao còn khoảng 1,4 triệu tấn gạo.

“Có hợp đồng sẵn rồi, chúng ta chỉ còn xuất đi nữa thôi. Do chúng ta đang chuẩn bị hàng hóa xuất khẩu theo hợp đồng cũ nên trước mắt quyết định này không lo ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới,” ông Bảnh nói.

Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cũng cho biết, xuất khẩu gạo của Việt Nam từ đầu năm đến nay vẫn duy trì đà tăng trưởng. Cụ thể, khối lượng gạo xuất khẩu tháng Tư ước đạt 510.000 tấn với giá trị đạt 235 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm 2016 ước đạt 2,06 triệu tấn và 916 triệu USD, tăng 11,8% về khối lượng và tăng 13,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Giá gạo xuất khẩu bình quân tháng 3 năm 2016 đạt 438 USD/tấn, tăng 0,32% so với cùng kỳ năm 2015.

Thích ăn gạo Việt vì “gạo tươi”

Thương lái thu mua lúa ngay tại ruộng. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
Thương lái thu mua lúa ngay tại ruộng. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

 Mặt khác, ông Bảnh cũng cho hay, các nước Đông Nam Á thích ăn gạo Việt Nam vì gạo Việt Nam là gạo mới, “gạo tươi.” Tại Việt Nam, lúa thu hoạch, doanh nghiệp đến thu mua phơi sấy và không nằm trong kho lâu, thời gian chỉ khoảng 2 tháng. Còn tại Thái Lan, Ấn Độ, Paskistan hầu hết là gạo cũ, do hạn hán nên thường tích trữ để trong kho khoảng một vài năm và bán dồn khi có gạo mới.

Gạo Thái Lan xả kho đợt này, toàn bộ là gạo cũ, chất lượng thấp. Đây là số gạo còn tồn kho từ chương trình thế chấp lúa gạo Chính phủ của cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, được mua trong những năm 2012 và 2013.

Tháng 4/2014, khi ông Prayut Chan-ocha lên làm Thủ tướng thay bà Yingluck Shinawatra, ông đã cho dừng chương trình thế chấp đồng thời cho bán gạo tồn kho ra ngoài. Khi ấy, lượng gạo tồn kho là 18,7 triệu tấn. Từ tháng 5/2014 đến hết 2015, Chính phủ Thái Lan đã bán được 5 triệu tấn gạo tồn kho với giá rẻ, chủ yếu cho các nước châu Phi.

Do đó, ông Bảnh cho rằng, với đợt hàng gạo chất lượng thấp này khả năng Thái Lan sẽ tiếp tục nhắm đến thị trường gạo giá rẻ tại các nước châu Phi. Trong khi đó, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam chủ yếu là Trung Quốc, Philippines, Indonesia...

"Mặt khác, diễn biến thị trường còn phụ thuộc nhiều yếu tố như, hiện nay do tác động của biến đổi khí hậu như El Nino khiến nhiều nước chịu ảnh hưởng, nên cũng khó lường trước được những biến động của thị trường. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng có chỉ đạo Hiệp hội lương thực và các doanh nghiệp cũng như người dân tiếp tục sản xuất đồng thời tích cực theo dõi, thăm dò, cập nhật thông tin thị trường xuất gạo của Thái Lan để có những giải pháp cụ thể," ông Bảnh cho hay.

Trung Quốc, đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2016 với 31,54% thị phần. Ba tháng đầu năm 2016 xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 474.000 tấn và 214,58 triệu USD, tăng 41,78% về khối lượng và tăng 61,76% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Indonesia-thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2016 với 20,45% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này ba tháng đầu năm 2016 đạt 350.000 tấn và 139,1 triệu USD, tăng 73,8 lần về khối lượng và 74,2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Các thị trường có sự tăng trưởng mạnh là thị trường Ghana tăng 39,49% về khối lượng và tăng 24,8% về giá trị; thị trường Tiều vương quốc Ả Rập Thống nhất tăng 27,48% về khối lượng và tăng 16,36% về giá trị...

Theo Vietnam+

;
.
.
.
.
.