Mặc dù ở tuổi gần 80 nhưng ông Dương Thế Trung, người có thâm niên lâu nhất trong nghề làm giá của Hợp tác xã (HTX) Giá đỗ Nghi An (tổ 2, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) vẫn ngày đêm miệt mài với những cây giá đỗ. Trải qua 3 thế hệ, nghề làm giá đã trở thành nghề truyền thống nuôi sống cả gia đình ông.
Ông Dương Thế Trung đang cài nẹp cho các hũ giá. |
Duyên với nghề
Ngày nào cũng vậy, cứ 2 giờ, ông Trung và mọi người trong nhà đã thức dậy để ra giá, vô bao và chở đến các chợ. 5 giờ về ăn sáng và tiếp tục các công đoạn tưới giá, cho đậu vào hũ. Sau khi ăn trưa, tầm 12 giờ, mọi người lại bắt tay ra giá tiếp để có giá cho các chợ vào buổi chiều. Cứ vậy, công đoạn ra giá, tưới nước, cho đậu vào hũ lại tiếp tục đến sáng.
Ông Trung cho biết, mỗi ngày có khoảng 80 hũ giá được đưa ra thị trường (tương ứng gần 5 tạ giá) nên cả nhà phải thay phiên nhau làm. Cứ hũ giá này ra lại cho đậu vào hũ để có giá cung ứng thị trường.
Tay thoăn thoắt cài nẹp cho các hũ giá, ông Trung giảng giải về quy trình để có những cây giá thành phẩm. Theo ông Trung, giá đỗ là loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất bổ dưỡng cho người. Vì vậy, việc cho ra giá thành phẩm chất lượng buộc người làm giá phải thật kỹ trong các khâu; từ quy trình chọn hạt giống, ngâm hạt, ủ đỗ, chăm sóc đỗ sau khi ủ đến kỹ thuật ra giá phải làm nghiêm ngặt.
Và để có được giá sạch, các công cụ sử dụng để sản xuất giá như hũ, tấm lát đậy đều phải được tẩy trùng bằng vôi. Ngay cả đậu xanh trước khi đưa vào ủ cũng được xử lý ngâm vôi, nước tưới phải được bơm trực tiếp từ giếng khoan sạch...
Làm giá đỗ là nghề truyền thống của người dân Nghi An. Qua quá trình lao động, mỗi người tự tích lũy cho mình một quy trình làm giá riêng để cho ra những mẻ giá đẹp, đạt chất lượng. Tuy vất vả, nhưng làm riết cũng quen. “Như tôi, đã gần 80 tuổi nhưng vẫn là lao động chính trong nhà. Có thể nói, nhờ lao động thường xuyên nên tôi mới có sức khỏe dẻo dai như vậy”, ông Trung cười hóm hỉnh.
Giữ nghề cho giá
Theo ông Trung, nghề làm giá Nghi An đã có từ lâu, cách đây khoảng 70 năm. Trước đây, đất rộng mênh mông, các hộ làm giá không làm giá nước như bây giờ mà làm theo phương thức giá đất. Tức là đào từng hũ đất để gieo hạt đỗ xuống. Mỗi hũ đất sâu chừng nửa mét, ủ khoảng 1kg hạt đỗ, sau đó lấp đất lên, mỗi ngày tưới nước 2 lần, cứ thế sau 4 ngày sẽ cho giá. Sau này, khi đất sản xuất dần bị thu hẹp, người làm giá chuyển sang dùng nước kích thích cho giá nảy mầm.
Ông Trung chia sẻ, để có giá bán ra thị trường mỗi ngày, người làm giá Nghi An phải làm liên tục và hầu như không có ngày nghỉ. Dù đêm đông giá rét, chiều hè oi bức hay những ngày mưa lũ, người làm giá Nghi An vẫn cặm cụi với nghề. “Cực là vậy, nhưng ai đã làm đều không muốn bỏ, nó như cái nghiệp gắn chặt vào mỗi người làm giá Nghi An".
Ông Trung cho biết, từ những năm 1930, mẹ ông là người phổ nghề cho giá. Và ông Trung cũng là một trong những người học được nghề giá từ những kinh nghiệm truyền dạy từ bà. Đến nay, gia đình ông Trung có 6 người con, có đứa tốt nghiệp đại học nhưng rồi cũng về làm nghề giá theo gia đình. Để truyền và giữ nghề, mỗi khi họp HTX, ông đều cố gắng truyên tuyền cho con cháu về các kinh nghiệm làm giá và qua đó, động viên con cháu bảo tồn, giữ nghề giá đỗ Nghi An.
HTX Giá đỗ Nghi An có 16 hộ làm giá, mỗi ngày cung ứng 7- 8 tấn giá sạch cho thị trường. HTX Giá đỗ Nghi An đang tiến hành các thủ tục đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm để khẳng định thương hiệu giá sạch chất lượng Nghi An. |
Bài và ảnh: Thanh Tình