Quận Thanh Khê hiện có 11 chợ, trong đó 1 chợ cấp quận và 10 chợ cấp phường quản lý. Thực hiện Chỉ thị 43-CT/TU, quận chú trọng xây dựng văn minh thương mại chợ, khắc phục tình trạng chợ tạm, chợ tự phát lấn chiếm lòng, lề đường.
Bà Nguyễn Thị Bảy (75 tuổi), từng bán rau tại chợ tạm, nay vào chợ Tân Chính, được hỗ trợ miễn phí 100% mặt bằng. |
Văn minh ở chợ
Nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Hải Phòng, từ 3 giờ, chợ Tân Chính (phường Tân Chính) tấp nập người mua, kẻ bán. Ngoài 23 tiểu thương bán sỉ mặt hàng trái cây, có khoảng 120 hộ buôn bán các mặt hàng khác.
Ông Lê Bá Lai, Trưởng ban Quản lý chợ cho biết, chợ Tân Chính rộng gần 4.500m2, ra đời từ năm 2001, thu hút một phần hộ kinh doanh từ chợ Tam Giác (sau khi chợ này giải tỏa) và một phần các hộ buôn bán trong kiệt, hẻm tập trung về đây. “Chúng tôi giảm 50% kinh phí thuê mặt bằng, thậm chí giảm 100%, nhằm tạo điều kiện cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn, như vậy mới thu hút họ vào chợ, không buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường”, ông Lai nói.
Tương tự, chợ Hải Sản (phường Thanh Khê Đông) trong 10 năm qua cũng thu hút các hộ bán cá dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành vào buôn bán. Theo ông Văn Phú Quý, Trưởng ban Quản lý chợ, từ ngày vào chợ, các hộ buôn bán ổn định, đa dạng các mặt hàng hải sản, được người dân trên toàn thành phố và khách du lịch tìm đến mua khá đông.
Điều đáng ghi nhận, mặc dù không được đầu tư quy mô và không có các chợ lớn tương tự như chợ Hàn, chợ Cồn, song dù là chợ nhỏ, quận Thanh Khê cũng luôn coi trọng xây dựng văn minh thương mại chợ.
Ông Dương Tấn Tài, Phó phòng Kinh tế quận Thanh Khê cho biết, hầu hết các hộ kinh doanh ở chợ đều được tham gia tập huấn về văn minh thương mại, kỹ năng giao tiếp với khách hàng, giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, bảo đảm an ninh trật tự tại chợ; đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước trong hoạt động kinh doanh như niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, cân đúng, cân đủ, hàng hóa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Đến nay, toàn quận có 6 chợ tham gia mô hình văn minh thương mại và đều đạt chuẩn. Quận sẽ nhân rộng mô hình này cho các chợ còn lại, tạo nền nếp trong văn hóa kinh doanh”, ông Tài chia sẻ.
Gian nan chợ tạm
Nếu các chợ chính thống đang dần đi vào nền nếp, thì tình hình chợ tạm vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Thời gian qua, quận Thanh Khê giải tỏa 7 chợ tạm, chợ cóc, gồm: chợ Bàu Thạc Gián (đường Tản Đà), chợ Ngã Ba (đường Trần Cao Vân- Dũng sĩ Thanh Khê), chợ Hoàng Hoa Thám (Tân Ninh A mới), chợ Đường Ray (ngã ba Nguyễn Hoàng – Ông Ích Khiêm), chợ Tân Hòa (Lê Trọng Tấn), chợ Huỳnh Ngọc Huệ (ngã tư Huỳnh Ngọc Huệ-Hà Huy Tập nối dài), chợ Cá (đường Nguyễn Tất Thành). Tuy nhiên, nhiều địa điểm vẫn tái diễn tình trạng một số hộ tỏ ra chây ỳ, khi không có lực lượng chức năng lại mang đồ ra bày bán.
“Điểm nóng hiện tại của quận Thanh Khê là chợ Tân An (phường An Khê), hiện có 238 hộ kinh doanh. Chợ nằm trên trục đường Trường Chinh, nhiều hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, thường xuyên gây cản trở giao thông. Dù đã được UBND thành phố đồng ý cho di dời sang địa điểm mới, diện tích gần 3.000m2, tổng kinh phí đầu tư hơn 6 tỷ đồng, nhưng đến nay, đã 3 năm mà chợ mới vẫn chưa được xây dựng”, ông Tài nói.
Trong khi đó, các Ban quản lý chợ trên địa bàn quận cũng mong các ngành chức năng đẩy mạnh công tác xử lý hộ buôn bán ở lòng, lề đường Ông Ích Khiêm, Nguyễn Hoàng, Võ Văn Tần, hẻm Trần Cao Vân; đồng thời tạo điều kiện để họ vào chợ buôn bán, vừa bảo đảm an ninh trật tự, vừa tạo sự công bằng cho những người kinh doanh trong chợ.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ