Đáng lo ngại nhất là tình trạng nhiều nhà xe hoạt động kiểu “hai trong một” để đối phó với các cơ quan quản lý. Đó là kiểu các doanh nghiệp chỉ đăng ký 50% số xe chạy theo tuyến cố định, 50% số xe còn lại họat động... chui bên ngoài.
Chiếc xe hiệu Ford Transit mang biển kiểm soát của tỉnh Bình Định đón khách trên đường Trường Chinh, đoạn gần chân cầu vượt ngã ba Huế. |
Đã từng nghe nhiều người kể về những lần làm khách trên các chuyến xe khách Ford Transit loại 16 chỗ ngồi chạy các tuyến đường ngắn và trung bình khu vực miền Trung, nhưng khi “trải nghiệm” thực tế vào dịp lễ 30-4, 1-5 vừa qua, chúng tôi thật sự lo sợ.
Khi thấy chúng tôi đứng trên đường Trường Chinh đoạn gần cầu vượt ngã ba Huế, một xe khách BKS 77B-021... lao thẳng đến và đột ngột thắng gấp. Chưa kịp hiểu chuyện gì thì phụ xe đã nhảy xuống vừa “xốc” chúng tôi lên xe vừa hỏi dồn “Quy Nhơn hay Quảng Ngãi hả...?”. Rồi như sợ chúng tôi đổi ý, ngay lập tức tài xế rồ ga phóng đi.
Tưởng trễ giờ nên xe chạy nhanh, nhưng vừa qua khỏi cầu vượt Hòa Cầm, chiếc xe đột ngột quay ngược trở lại chậm rãi lăn bánh về hướng cầu vượt ngã ba Huế. Một phụ nữ ngồi cạnh chúng tôi cho biết: “Họ chạy quần như vậy đó, nhưng khi ra khỏi thành phố thì phóng như điên, kể gì luật lệ, TNGT”.
Đúng như vậy, sau gần 45 phút quần đảo trên địa bàn thành phố, khi đến khu vực giáp ranh với tỉnh Quảng Nam, đột ngột chiếc xe lao vút với vận tốc xấp xỉ 100km/giờ. Bất chấp nhiều người trên xe lên tiếng yêu cầu giảm tốc độ, tài xế gần như không chú ý, cứ nhấn hết ga cho xe tiếp tục lao đi với tốc độ chóng mặt.
Trước đó gần một tuần, chúng tôi cũng có dịp “thử cảm giác mạnh” với chiếc xe khách Ford Transit BKS 75S-870... chạy tuyến Đà Nẵng-Huế. Mất gần 30 phút cho đoạn đường từ Bến xe Trung tâm Đà Nẵng đến khu vực trước Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng với kiểu chạy như rùa bò, thậm chí có những đoạn xe gần như dừng hẳn trên đường, bất ngờ tài xế đột ngột tăng tốc, xe lao lên phía trước. Mặc dù đoạn đường này có khá nhiều phương tiện khác lưu thông, nhưng bất chấp tất cả, tài xế vẫn nhấn ga, mặc cho trong xe có người yêu cầu giảm tốc độ vì say xe.
Tìm hiểu từ nhiều hành khách từng đi trên những chiếc xe khách loại này, mọi người cho biết gần như tất cả xe khách chạy tuyến đường ngắn, tuyến đường trung bình sử dụng dòng xe Ford Transit đều chạy theo kiểu lúc như rùa bò lúc lại phóng như tên bay, bất chấp nguy hiểm cho hành khách.
Còn các tài xế thì có chung câu trả lời: “Phải chạy chậm hoặc quay đầu nhiều lần để kiếm thêm khách, đến đoạn đường vắng hoặc hết khách đón dọc đường thì phải chạy thật nhanh để bù vào thời gian này. Nếu chạy đúng luật sẽ khó “bắt” được khách, bị chủ xe cho nghỉ việc”.
Trao đổi với chúng tôi về tình trạng đáng lo ngại trên, ông Lê Viết Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải và quản lý Bến xe Đà Nẵng cho rằng, điều này các cơ quan chức năng đều biết, nhưng việc xử lý luôn gặp khó khăn.
“Ở Bến xe Trung tâm thành phố, với việc áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, trong đó có việc yêu cầu tất cả nhà xe hoạt động tại bến đều phải có thiết bị giám sát hành trình và chia sẻ thông tin để bến xe kiểm soát, chúng tôi đã phát hiện những xe chạy quá tốc độ và ngay lập tức gọi điện thoại yêu cầu tài xế giảm vận tốc để bảo đảm an toàn. Đối với những nhà xe bị nhắc nhở nhiều lần sẽ bị cảnh cáo, thậm chí cắt phiên chạy từ 15 ngày đến 1 tháng. Thế nhưng, cũng phải thừa nhận rằng, tình trạng nhiều xe “đua tốc độ” để giành khách vẫn diễn ra”, ông Hoàng thừa nhận.
Đáng lo ngại nhất là tình trạng nhiều nhà xe hoạt động kiểu “hai trong một” để đối phó với các cơ quan quản lý. Đó là kiểu các doanh nghiệp chỉ đăng ký 50% số xe chạy theo tuyến cố định, 50% số xe còn lại hoạt động... chui bên ngoài. Những xe hoạt động chui bên ngoài chạy lòng vòng để đón khách, sau đó chờ xe trong bến ra sẽ dồn khách sang một xe. Kiểu hoạt động này khiến những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng bị thiệt thòi vì mất khách, dễ phát sinh tình trạng nhà xe cho tài xế phóng nhanh vượt ẩu để giành khách, rất nguy hiểm.
Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN