Kinh tế
Manh mún, đơn điệu
Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) thành phố Đà Nẵng hiện nay chỉ ở giai đoạn đầu phát triển, giá trị sản xuất chiếm gần 30% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp thành phố. Đến đầu năm 2016, có hơn 60 doanh nghiệp tham gia sản xuất lĩnh vực CNHT. Cơ cấu các ngành CNHT được chia thành một số nhóm ngành chính sau: CNHT cho ngành ô-tô, xe máy (tỷ trọng 34,6%), CNHT cho ngành điện tử - tin học (33,1%), CNHT cho ngành cơ khí chế tạo (16,5%), CNHT cho ngành dệt may - da giày (8%) và nhóm ngành khác (7,9%). Căn cứ vào sự phân chia này, các doanh nghiệp CNHT đang tập trung vào các nhóm ngành mang lại giá trị gia tăng cao như ô-tô, xe máy và điện tử - tin học. Qua gần 10 năm tập trung đầu tư phát triển, các doanh nghiệp CNHT đã có sự gia tăng về số lượng và quy mô, từng bước đáp ứng được một phần nhu cầu cho hoạt động xuất khẩu. Kết quả, một số sản phẩm CNHT có khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu và có chất lượng tốt tham gia vào chuỗi cung ứng như các sản phẩm của Công ty CP Cao su Đà Nẵng, Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng, Công ty TNHH Điện tử Foster’s, Công ty TNHH Công nghiệp Daeryang Việt Nam…
Sản xuất bao bì - một sản phẩm hỗ trợ cho hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay. |
Tuy nhiên, ngành CNHT thành phố vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế của thành phố. Số lượng doanh nghiệp CNHT hiện nay còn quá ít so với các doanh nghiệp công nghiệp chính (hơn 1.300 doanh nghiệp). Về quy mô, hầu hết là những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Năng lực sản xuất, quản lý, điều hành của các doanh nghiệp còn yếu, khả năng tài chính hạn hẹp, hoạt động manh mún, rời rạc, thiếu sự liên kết, phối hợp, phân công sản xuất. Không những thế, các doanh nghiệp CNHT còn thiếu sự gắn kết với các doanh nghiệp lắp ráp chính do sự thiếu hụt thông tin thị trường, dẫn đến khó khăn về đầu ra của sản phẩm CNHT. Trình độ công nghệ hầu hết ở mức trung bình, chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp (doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI) có trình độ công nghệ tiên tiến tương đương các nước trong khu vực. Đa số các sản phẩm CNHT là những sản phẩm đơn giản, thiếu phong phú về chủng loại và mẫu mã, chất lượng trung bình, hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp. Sự thiếu hụt của các doanh nghiệp CNHT về “chất” và “lượng” buộc các doanh nghiệp chính (kể cả doanh nghiệp FDI) phải tìm kiếm nguồn cung cấp linh kiện, phụ kiện từ bên ngoài, với chi phí cao. Đây chính là nguyên nhân làm cho các khu công nghiệp của thành phố chưa thu hút được những doanh nghiệp lớn (quy mô sản xuất lớn, vốn đầu tư lớn và thu hút lao động lớn).
Trên cơ sở những định hướng từ Nghị định 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định 12/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố ban hành Quyết định số 745/QĐ-UBND ngày 5-2-2015 về Chương trình phát triển CNHT thành phố Đà Nẵng đến năm 2020. Theo đó, từ nay đến năm 2020 thành phố sẽ tập trung phát triển sản xuất các sản phẩm CNHT có hàm lượng công nghệ cao, mang lại giá trị gia tăng cao và không gây ô nhiễm môi trường. Đây là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp của thành phố, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào mạng lưới sản xuất và trở thành nhà cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia và các doanh nghiệp lớn trong khu vực và trên thế giới, khi Việt Nam hội nhập. UBND thành phố cũng chỉ đạo các ngành tập trung giải quyết một số nhiệm vụ chủ yếu như ban hành các chính sách khuyến khích phát triển CNHT để thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển CNHT thành phố; xúc tiến quy hoạch, xây dựng các khu, cụm công nghiệp hỗ trợ; xây dựng cơ sở dữ liệu về CNHT làm nền tảng thông tin cung cấp cho các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà đầu tư tiềm năng và doanh nghiệp liên quan.
Để thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển CNHT của thành phố, các doanh nghiệp đề nghị UBND thành phố tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; nhất là hỗ trợ về vốn vay, cho thuê đất trong các khu công nghiệp, bổ sung thêm một số ngành hàng rất quan trọng trong ngành sản xuất CNHT sản xuất bao bì, sản xuất lon nước uống các loại; đặc biệt, thành phố nhanh chóng đầu tư cảng thương mại Liên Chiểu để giảm chi phí cho các DN ở các khu công nghiệp khu vực Hòa Khánh…
Bài và ảnh: Đức Thịnh