.

Doanh nghiệp cần gì?

.

Thì cần làm ăn có lãi một cách chân chính chứ cần gì?

Nhưng để làm ăn có lãi, đóng góp cho sự phát triển của xã hội chưa chắc dễ dàng. Hiện nay, số đông doanh nghiệp mong muốn làm ăn phát đạt một cách chân chính, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế của doanh nghiệp và đất nước, vừa góp phần vào giải quyết những vấn đề an sinh xã hội. Nhưng điều đó có thực sự được thuận lợi?

Trong xu thế phát triển chung, vai trò doanh nghiệp, doanh nhân trong sự phát triển của đất nước ngày càng được coi trọng - nhất là trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta thực hiện chủ trương đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Doanh nhân không còn là những “con phe”, những kẻ “buôn lậu”…, mà địa vị của họ ngày càng được củng cố và được xã hội tôn vinh - bằng chứng là ngày 13-10 hằng năm trở thành Ngày Doanh nhân Việt Nam; doanh nghiệp ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng; hiệp hội doanh nghiệp ngày càng có uy tín, đóng vai trò quan trọng trong hoạch định chính sách, phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương và cả nước.

Nhìn chung là như vậy, nhưng phân tích từng mảng vấn đề cụ thể, thì “nói vậy nhưng không phải vậy”! Trên thực tế, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với những vấn đề nhiêu khê từ phía chính quyền; từ thủ tục hành chính cho đến các “giấy phép con” và tận cùng là những… lệ làng! Khi nhìn nhận về doanh nghiệp, doanh nhân, vẫn còn đó quan niệm rằng đây là những người có tiền, làm ra tiền…, nên chuyện “vặt tiền” họ là chính đáng. Không chỉ là rào cản từ các chính sách, từ những đòi hỏi vô lý từ các cán bộ, nhân viên thực thi công vụ gây nên tâm lý “phát chán” như Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh nêu ra trong buổi đối thoại giữa doanh nghiệp với chính quyền diễn ra hôm qua (24-6), mà cả từ việc vận động “ủng hộ” một cách tùy tiện hiện nay. Đâu biết mỗi đồng làm ra là từ mồ hôi nước mắt, là những đêm trắng trằn trọc lo cho sự tồn vong của doanh nghiệp, là chuyện lương tiền của hàng chục, hàng trăm con người; là trăn trở trước sự tụt hậu của đất nước, của quốc gia, là lòng tự tôn dân tộc…

Thế nên, để thay đổi một cách nhìn phiến diện, chẳng hạn từ “con phe” thành doanh nhân, là cả một quá trình; thì coi trọng doanh nghiệp, doanh nhân, coi sự phát triển, tồn vong của doanh nghiệp cũng chính là sự phát triển của mỗi địa phương, của quốc gia, dân tộc… cũng là một quá trình. Trong quá trình đó, phải có sự thay đổi nhận thức từ những người đứng đầu đất nước đến chính quyền các cấp và mỗi cán bộ, công chức thực thi công vụ, thì mới mong là thay đổi thực chất. Việc lãnh đạo chính quyền thành phố tổ chức đối thoại với hơn 200 đại diện doanh nghiệp - kéo dài đến gần 13 giờ ngày hôm qua (24-6) cũng là một trong sự thể hiện cái nhìn cầu thị như vậy. Những vấn đề cụ thể các doanh nghiệp nêu, đều được lãnh đạo thành phố chỉ đạo xử lý quyết liệt, rốt ráo.

Tuy nhiên, những vấn đề đó chỉ mang tính đại diện - bởi chỉ có khoảng 200 trong tổng số gần 17.000 lãnh đạo doanh nghiệp tham dự cuộc đối thoại này. Vấn đề cần giải quyết, đó là tổ chức việc tiếp nhận góp ý, thắc mắc của doanh nghiệp một cách thường xuyên, thông qua các tổ chức đại diện hoặc trực tiếp, để có thể sâu sát và giải quyết kịp thời những vướng mắc của doanh nghiệp. Đó là những vướng mắc từ cơ chế, chính sách như thuê đất, thuế hay thông tin về hội nhập quốc tế, quảng bá thương hiệu, sản phẩm… đến những ứng xử trong quan hệ với doanh nghiệp, gây cản trở - thậm chí làm nản lòng doanh nghiệp, doanh nhân từ các cán bộ, công chức thiếu thiện tâm, không vì sự phát triển chung. Dĩ nhiên, không phải sau cuộc đối thoại này, ngày một ngày hai là có ngay sự chuyển biến; mà cần phải có một quá trình để tạo chuyển biến từ nhận thức sang hành động.

Có như vậy, thì quan hệ giữa chính quyền với doanh nghiệp mới thực sự hài hòa, bền vững, cùng hướng đến mục tiêu chung là sự phát triển của đất nước.

Doanh nghiệp cũng chỉ cần có vậy, để làm ăn có lãi một cách chân chính và chính danh trong đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội!

Minh Thư

;
.
.
.
.
.