Theo đại diện Tổng cục Thủy sản (Bộ nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tình hình hạn hán, xâm nhập mặn và thời tiết nắng nóng kéo dài đã khiến các loài thủy sản khó thích nghi với những thay đổi môi trường. Đây là nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh xảy ra nhiều nơi ở các tỉnh miền Trung và một số vùng nuôi trọng điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Chế biến cá tra phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN) |
Mặt khác, những diễn biến về thời tiết và môi trường này cũng đã làm chậm tiến độ thả nuôi thủy sản của người dân.
Thiếu hụt nguồn cung
Đại diện Tổng cục Thủy sản cho biết, sản xuất cá tra 6 tháng đầu năm chưa có dấu hiệu phục hồi. Hàng loạt các khó khăn như thị trường tiêu thụ bấp bênh, giá cá không ổn định, dịch bệnh thường xuyên xảy ra đã làm cho diện tích nuôi cá tra có xu hướng giảm.
Cụ thể, diện tích cá tra 6 tháng đầu năm của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 3.757 ha, giảm 5,5% so với cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch ước đạt 526.683 tấn, chỉ xấp xỉ so với cùng kỳ năm 2015. Một số tỉnh trọng điểm về nuôi cá tra có sản lượng giảm như: Vĩnh Long 38.000 tấn (giảm 4%), Bến Tre 82.575 tấn (giảm 12%), An Giang 121.437 tấn (giảm 7%), Đồng Tháp 184.004 tấn (giảm 1%).
Vận chuyển cá ngừ đại dương đi tiêu thụ. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN) |
Ngành tôm cũng đứng trước nhiều khó khăn do tình hình thời tiết 6 tháng đầu năm 2016 diễn biến khá phức tạp, không thuận lợi cho sản xuất tôm nước lợ. Nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao, môi trường ao nuôi bị biến động, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tôm nuôi, gây ra nhiều loại bệnh như: hoại tử gan tụy, phân trắng, đường ruột...
Sản lượng thu hoạch tôm nước lợ của 10 các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm trước, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung tôm nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, giá tôm nguyên liệu tăng. Nhiều nhà máy chế biến chỉ hoạt động khoảng 50 – 60% công suất.
Trong hai tháng trở lại đây diện tích nuôi tôm sú có xu hướng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, diện tích tôm sú ước đạt 540.451ha, tăng 1,8% so với cùng kỳ, sản lượng ước đạt 103.244 tấn, tương đương với cùng kỳ năm trước.
Người dân chỉ đủ chi phí
Trái ngược với những bất lợi trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tình hình thời tiết sáu tháng đầu năm lại khá thuận lợi cho hoạt động khai thác thuỷ sản. Lượng tàu cá tham gia hoạt động khai thác thủy sản trên biển khoảng 90%, các vùng biển Trung và Nam Trung bộ liên tục xuất hiện các đàn cá nổi như cá nục, cá cơm, cá trác, cá chuồn, cá ngừ sọc dưa, cá chù mực….
Đáng giá hoạt động khai thác thủy sản 6 tháng đầu năm, đại diện Tổng cục Thủy sản cho rằng, hầu hết các nghề khai thác đều đạt hiệu quả, cao nhất là các nghề pha xúc, lưới vây và lưới rê cước, nghề lưới rê.
Tuy nhiên, mặc dù có những thuận lợi trên nhưng do cuối tháng Tư vừa qua các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế xảy ra hiện tượng cá biển chết hàng loạt. Các sản phẩm đánh bắt hải sản ven bờ lẫn xa bờ đều khó tiêu thụ, nhiều tàu thuyền không ra khơi khai thác, đặc biệt là tàu thuyền khai thác thủy sản gần bờ.
Hiện tượng này đã khiến hoạt động tiêu thụ sản phẩm thủy sản ở các địa bàn này bị ngưng trệ, ảnh hưởng đời sống không chỉ của người khai thác mà cả người nuôi trồng thủy sản, kinh doanh và dịch vụ thủy sản ở các tỉnh miền Trung.
Theo đó, sản lượng khai thác thủy sản ở các tỉnh này đều giảm mạnh, ước Hà Tĩnh 16.000 tấn (giảm khoảng 6%), Quảng Bình 24.000 tấn (giảm khoảng 10%), Quảng Trị 9.000 tấn (giảm khoảng 12%), Thừa Thiên Huế 13.300 tấn (giảm khoảng 30%).
Sau sự cố này, các cơ quan chuyên ngành thủy sản đã có biện pháp kịp thời (tiến hành kiểm định và cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, giấy chứng nhận nguồn gốc sản phẩm) để củng cố tâm lý cho người tiêu dùng và hoạt động khai thác thủy sản ven bờ đang dần hồi phục.
Song ngư dân khai thác cá ngừ tiếp tục gặp khó khăn do giá bán sụt giảm mặc dù sản lượng khai thác cá ngừ không nhiều. Trong khi đó mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi từ khai thác đến tiêu thụ sản phẩm lại chưa phát huy hiệu quả. Đánh bắt cá ngừ đại dương 6 tháng đầu năm ước đạt 11.152 tấn cá ngừ.
Cụ thể, tại Phú Yên sản lượng cá ngừ đại dương đạt 3.500 tấn, giảm 7,5% so cùng kỳ năm trước; tại Bình Định sản lượng là 4.820 tấn, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước; riêng tại Khánh Hòa sản lượng ước đạt 2.382 tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Đại diện Tổng cục Thủy sản cũng cho biết, hiện giá cá ngừ đại dương chỉ dao động 85.000 - 88.000 đồng/kg, thấp hơn 10.000 - 12.000 đồng/kg so với cách đây hơn 1 tháng. Với giá bán cá hiện nay thì các ngư dân chỉ đủ chi phí chứ không có lãi./.
Tổng sản lượng thủy sản Sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng Sáu ước đạt 435.000 tấn, tăng 1,6% so với cùng kì năm trước, đưa tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 1,584 triệu tấn, chỉ tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước.
Ước sản lượng khai thác thuỷ sản 6 tháng đầu năm 2016 đạt 1,542 triệu tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2015; trong đó khai thác biển ước đạt 1,458 triệu tấn, tăng 3,3% so 9 với cùng kỳ năm 2015, khai thác nội địa ước đạt 84.000 tấn, giảm 2% so với cùng kỳ.
Theo Vietnam+