.

Ngư dân tự tin ra khơi

.

Bất chấp lệnh cấm đánh bắt phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông từ ngày 16-5 đến 1-8-2016, trong đó có vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, ngư dân miền Trung nói chung, Đà Nẵng nói riêng vẫn tự tin vươn khơi làm kinh tế, kết hợp bảo vệ chủ quyền.

Ngư dân miền Trung chuẩn bị ra khơi bất chấp lệnh cấm đánh bắt phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.
Ngư dân miền Trung chuẩn bị ra khơi bất chấp lệnh cấm đánh bắt phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.

Lệnh cấm của Trung Quốc vô giá trị

Những ngày qua, tại Âu thuyền Thọ Quang, ngư dân miền Trung nườm nượp ra khơi tại các ngư trường truyền thống. Có mặt tại các cầu cảng thuộc Âu thuyền Thọ Quang, chúng tôi thấy ngư dân vẫn bình thản, không lo sợ trước lệnh cấm đánh bắt cá Trung Quốc đưa ra. “Ngư dân Quảng Ngãi chúng tôi vẫn ra ngư trường Hoàng Sa đánh bắt, bởi đây là ngư trường truyền thống của mình. Nếu sợ lệnh cấm phi lý đó mà không ra khơi khác nào mình thừa nhận đó là của họ”, anh Quang, một chủ tàu Quảng Ngãi chia sẻ. Theo anh Quang, mỗi năm tàu anh ra đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa gần 10 chuyến, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, đời sống của các lao động cũng từng bước được cải thiện.

Ông Lê Văn Khăng, thuyền trưởng tàu ĐNa 90363 nói: “Hơn 30 năm làm nghề biển, chủ yếu đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, chúng tôi không ít lần phải đối mặt với tàu Trung Quốc. Có khi họ xua đuổi, nhưng đuổi chỗ này, thì ngư dân chạy chỗ khác để khai thác. Đặc biệt mấy năm trở lại đây, Trung Quốc thường đưa ra lệnh cấm khai thác hải sản rất vô lý ngay ở trên ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, ngư dân thường đi theo tổ đội với nhau nên rất yên tâm”. Trong lúc đó, ông Lê Văn Chiến (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng), chủ tàu ĐNa 90351 cho rằng, ngư dân không thể chờ 3 tháng theo lệnh cấm phi lý của họ mà phải ra khơi để bám biển. Nhưng để an toàn cho ngư dân, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn cần sát cánh cùng ngư dân để họ yên tâm đánh bắt hải sản.

Ban tác chiến Bộ đội Biên phòng thành phố cho biết, đến chiều 31-5, có 56 tàu Đà Nẵng với gần 800 lao động đang hoạt động đánh bắt tại các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, vịnh Bắc Bộ. Ngoài ra, còn hàng trăm tàu của ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cũng đang hoạt động đánh bắt trên biển. Hàng chục tàu đang chuẩn bị vươn khơi bám biển, bất chấp lệnh cấm vô lý của Trung Quốc.

Sát cánh cùng ngư dân

Ông Trần Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch Hội nghề cá thành phố cho biết, việc đơn phương áp đặt lệnh cấm biển là một sự vi phạm nhân quyền vì ngăn cản ngư dân Việt Nam làm ăn, sinh sống một cách hợp pháp trên ngư trường truyền thống hàng ngàn năm nay. Vì vậy, ngư dân Việt Nam sẽ không chấp hành lệnh cấm vô lý này mà tiếp tục vươn khơi bám biển, làm ăn sinh sống để bảo vệ ngư trường truyền thống của mình. Tuy nhiên, ông Lĩnh đề nghị ngư dân phải ra khơi hoạt động theo tổ, đội để có thể hỗ trợ cho nhau khi cần thiết; đề nghị các lực lượng chấp pháp thường xuyên sát cánh cùng ngư dân để họ yên tâm vươn khơi bám biển.

Thiếu tá Bùi Anh Tú, Trưởng ban Tác chiến, Bộ đội Biên phòng thành phố cho biết, sau khi có lệnh cấm biển phi lý của Trung Quốc, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố đã chỉ đạo các đồn, trạm tăng cường tuyên truyền, động viên ngư dân, đồng thời yêu cầu không đánh bắt tại các khu vực đang chồng lấn. Ngoài tuyên truyền, các đài canh làm tốt công tác thông tin trên biển với ngư dân, hướng dẫn ngư dân nắm chắc các khu vực đánh bắt trên biển để phòng tránh. Mỗi ngày thông tin cho bà con ngư dân 2 lần. Do đó, đến thời điểm này, ngư dân Đà Nẵng vẫn đánh bắt an toàn, chưa xảy ra trường hợp nào bị tàu Trung Quốc xua đuổi.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, ngành thủy sản thành phố, lực lượng kiểm ngư, Đài duyên hải Đà Nẵng cũng nắm thông tin thường xuyên với ngư dân để xử lý kịp thời khi cần thiết, nên ngư dân rất yên tâm khi ra khơi.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.