Hiện các nhà mạng đã sẵn sàng cho cuộc đua thử nghiệm 4G với sự cạnh tranh khốc liệt về chất lượng dịch vụ để chiếm lĩnh thị phần. Mỗi nhà mạng đều có những kế hoạch riêng nhằm mang lại dịch vụ tốt nhất cho người sử dụng.
Người dân Đà Nẵng mong muốn được trải nghiệm các dịch vụ tiện ích mạng 4G mang lại. |
Nhiều dịch vụ tiện ích
Theo các chuyên gia viễn thông, hiện nay mạng 3G đã và đang được khách hàng lựa chọn, sử dụng khá phổ biến. Tuy nhiên, với nhu cầu về thông tin, đặc biệt là tính tương tác trực tuyến đòi hỏi thời gian thực ngày càng cao thì việc nâng cấp hệ thống thiết bị và ứng dụng nền tảng 4G là hết sức cần thiết, là xu hướng công nghệ chung của thế giới. “Mạng 4G sẽ là xu hướng phát triển chủ đạo của viễn thông Việt Nam cũng như thế giới trong thời gian tới.
Với nhiều ưu điểm của công nghệ 4G như: sử dụng hiệu quả băng tần cao, khả năng dùng chung và chia sẻ mạng dễ dàng, tốc độ đường truyền cao sẽ mang lại cho người sử dụng dịch vụ nhiều tiện ích và cảm nhận thoải mái hơn, tạo một môi trường viễn thông ngày càng cạnh tranh và phát triển”, ông Nguyễn Nghĩa Nam, Trưởng phòng Mạng và dịch vụ, Viễn thông Đà Nẵng cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Nam, từ nay đến cuối năm 2016, thị trường 4G tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng chưa thể bùng nổ vì các doanh nghiệp (DN) đang thử nghiệm để có phương án sẵn sàng triển khai khi Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cấp phép 4G cho nhà mạng. Mặt khác, muốn 4G bùng nổ phải có đủ hai yếu tố là có mạng 4G và thiết bị đầu cuối hỗ trợ 4G. Trong khi đó, hiện thế giới có khoảng trên 10% người sử dụng di động dùng 4G và giá thiết bị đầu cuối 4G còn khá cao nên người dùng khó tiếp cận.
Hiện tại có 3 “đại gia” viễn thông là Viettel, Mobifone và VNPT đã thử nghiệm 4G tại các tỉnh, thành trong cả nước. Viettel bắt đầu thử nghiệm 4G tại Vũng Tàu hồi cuối năm 2015 với gần 200 trạm phát sóng được lắp đặt, tốc độ truyền dữ liệu 4G đạt trung bình 40-80Mb/s, cao gấp 10 lần 3G. VNPT phủ sóng 4G cho toàn bộ huyện đảo Phú Quốc với 50 trạm thu phát sóng và cắm 100 trạm thu phát sóng 4G cho một số quận tại trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Mới đây, Mobifone chính thức thông báo thử nghiệm thành công 4G với tốc độ siêu khủng tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Dự kiến sau khi được Bộ TT&TT cấp phép, các nhà mạng sẽ mở rộng lắp đặt trạm phát sóng tại nhiều địa phương. Điều này sẽ giúp người dùng trên toàn quốc có cơ hội trải nghiệm các dịch vụ tiện ích mạng 4G mang lại.
Lo cơ sở hạ tầng
Mạng 4G có thể cung cấp các ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông tốc độ cao nhằm đáp ứng tốt các dịch vụ như đào tạo từ xa, y tế trực tuyến, giao thông thông minh, an ninh công cộng và các trường hợp khẩn, góp phần thay đổi cuộc sống của người dân. “4G là công nghệ hứa hẹn tạo ra những bước đột phá mới về dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin. Đây còn là điều kiện phát triển các ứng dụng, giải pháp cho DN và chính quyền trong giai đoạn Internet kết nối mọi thứ (Internet of Things)”, ông Nguyễn Thế Quang, Tổng Giám đốc Công ty Viễn thông FPT miền Trung cho hay.
Dù Bộ TT&TT chính thức mở đường cho các nhà mạng triển khai kế hoạch phủ sóng mạng và dịch vụ 4G, thế nhưng nhiều DN vẫn còn gặp khó khăn về việc triển khai cơ sở hạ tầng đi kèm. “Dự kiến trong năm 2017, VNPT sẽ triển khai mạng 4G tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, để triển khai 4G thành công thì số lượng cơ sở hạ tầng cần đầu tư mới khá nhiều nhưng việc cấp phép xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như phê duyệt các vị trí của sở, ban, ngành liên quan còn chậm nên phần nào ảnh hưởng đến việc triển khai của DN”, ông Nguyễn Nghĩa Nam nói.
Theo các chuyên gia viễn thông, các nhà mạng sẽ phải tự đầu tư, mua sắm, đổi mới trang thiết bị, nâng cấp dịch vụ để theo kịp cuộc đua 4G. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có tiềm lực như các “đại gia” viễn thông Viettel, VNPT... Vì vậy, một hướng khác là nhà mạng tập trung cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ hiện có để 2G và 3G vẫn sẽ tồn tại.
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN