Diện tích tự nhiên 10.388ha, dân số 5.124 người, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang chỉ có hơn 150ha đất nông nghiệp, trong đó 141ha đất trồng lúa, chủ yếu 1 vụ/năm. Là xã miền núi, lĩnh vực công nghiệp và thương mại chậm phát triển. Thế nhưng, đời sống người dân Hòa Ninh năm 2015, thu nhập bình quân đạt 25,3 triệu đồng/người. Bí quyết nào để xã miền núi Hòa Ninh phát triển?
Ông Đặng Văn Nhân tại vườn bưởi hơn 100 cây của mình. |
Trước hết, khi triển khai xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền xã Hòa Ninh xác định, song song với nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn, phải chú trọng đến phát triển kinh tế hộ. Bên cạnh phát triển kinh tế rừng, xã Hòa Ninh ưu tiên đầu tư kinh tế vườn bằng cách đưa các loại cây giá trị kinh tế cao vào trồng; đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm… Nhờ vậy, kinh tế hộ ở vùng này khá phát triển, nhiều gia đình có đời sống khá giả, góp phần làm cho vùng quê miền núi này ngày càng khởi sắc.
Lâu nay, gia đình ông Đặng Văn Nhân, ở thôn Đông Sơn, có nguồn thu khá ổn định với mức trên dưới 100 triệu đồng/năm từ hơn 100 cây bưởi. Ông Nhân cho biết: Thổ nhưỡng vùng này hợp với cây bưởi. Là bưởi tứ quý, mỗi năm thu hoạch 2 vụ, có thể cho 400-500 quả/cây. Quả không to, nhưng bù lại chất lượng cao được khách hàng ưa chuộng, đến kỳ thu hoạch, thương lái lên mua hết. Với giá từ 15.000-20.000 đồng/kg, mỗi cây thu 8-9 triệu đồng/năm.
Cách khu vườn ông Nhân không xa là trang trại của bà Đặng Thị Kim Giang, nơi đang trồng hàng trăm cây mít, giống nhập từ Thái Lan, bưởi da xanh và hàng chục nghìn cây cao su. Anh Nguyễn Văn Phước, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Hòa Ninh cho biết: Bưởi đang là loại cây cho thu nhập cao ở Hòa Ninh, nhiều hộ đã bỏ cây keo chuyển sang trồng bưởi.
Trong khi đó, trên đồng rau chuyên canh ở thôn 1, với diện tích 7.000m2, anh Phan Đình Thành trồng nhiều loại rau ăn quả, ăn lá, trong đó nhiều nhất là khổ qua và dưa leo, bầu bí. Nói về hoạt động kinh tế của mình, anh Thành cho biết: Dưa leo 3 lứa/năm, còn khổ qua 2 lứa/năm. Năm nào mưa thuận gió hòa, khổ qua cho năng suất 2 tấn/sào. Ở khu vườn này, năm nào cũng thu hoạch hơn 100 tấn; lãi khoảng 150 triệu đồng.
Cùng với kinh tế vườn, những năm gần đây, Hòa Ninh ưu tiên phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và kinh tế rừng. Hiện nay, tổng đàn bò của Hòa Ninh có hơn 2.000 con, đàn dê khoảng 350 con, đàn thỏ xấp xỉ 4.000 con và hàng nghìn con gà thả vườn. Nhiều hộ đã giàu lên nhờ nuôi bò đàn, dê đàn, gà thả vườn quy mô lớn và trồng rừng.
Ông Lê Đức Thương, Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh cho biết: Phong trào phát triển kinh tế hộ tại Hòa Ninh những năm gần đây phát triển mạnh. Nhà nào cũng mạnh dạn đầu tư và hăng say lao động sản xuất. Hiện trên địa bàn xã có hơn 10 trang trại quy mô vừa và lớn, nơi cung cấp lượng lớn nông sản cho thị trường Đà Nẵng. Tiếp tục triển khai xây dựng nông thôn mới, xã Hòa Ninh ưu tiên phát triển kinh tế; phát huy nỗ lực của mỗi nhà, xã hỗ trợ về kỹ thuật, tư vấn về hướng đầu tư; phấn đấu 4 năm nữa, nâng mức thu nhập toàn xã lên 40 triệu đồng/người/năm.
Bài và ảnh: Nguyễn Cầu