.

Quản lý tạm nhập tái xuất: Bộ Công Thương còn để nhiều "lỗ hổng"

.

Thanh tra Chính phủ cho rằng, Bộ Công Thương ban hành một số Thông tư chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tế và chưa đủ cơ sở khoa học. Bộ cũng để tồn tại các bất cập làm giảm hiệu lực quản lý Nhà nước, ảnh hưởng đến mục tiêu khắc phục những hạn chế của hoạt động tạm nhập tái xuất.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Thanh tra Chính phủ vừa có Kết luận thanh tra về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong hoạt động tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập và chuyển khẩu của Bộ Công Thương.

Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất là một thông lệ, tập quán kinh doanh quốc tế sẽ tiếp tục tồn tại, phát sinh phục vụ nhu cầu thương mại quốc tế và có điều kiện phát triển ở những nước có vị trí - kinh tế thuận lợi như ở Việt Nam - giáp thị trường tiêu thụ lớn là Trung Quốc.

Tuy nhiên, nội dung chính sách quản lý đối với hoạt động tạm nhập, tái xuất vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lớn về buôn lậu, gian lận thương mại, tình trạng tồn đọng lớn hàng hoá tạm nhập, tái xuất (trong đó có nhiều hàng cấm, hàng ảnh hưởng môi trường…) ở các cảng biển. Bên cạnh đó, tạm nhập tái xuất cũng thiếu tính ổn định, rủi ro cao, phụ thuộc nhiều vào chính sách biên mậu của các tỉnh thuộc phía Bắc.

Kết quả thanh tra cho thấy, Bộ Công Thương cơ bản đã kịp thời sửa đổi các quy định trong chính sách tạm nhập, tái xuất nhất là đối với các nhóm khách hàng kinh doanh có điều kiện, đã từng bước hạn chế được tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, tranh giành khách hàng, hạ thấp giá thành dịch vụ gây ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, hạn chế các đơn vị không có năng lực nhưng vẫn kinh doanh.

Tuy nhiên, việc ban hành một số Thông tư còn chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tế và chưa đủ cơ sở khoa học. Bộ Công Thương cũng chưa thực hiện tốt việc “chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản chức năng thuộc Bộ” như việc thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát kết quả báo cáo quản lý tạm nhập, tái xuất theo quy định.

Bộ Công Thương cũng chưa kiên quyết trong kiểm tra, xử lý việc địa phương ban hành văn bản không đúng với quy định, còn để vi phạm quy định của pháp luật, chưa kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền tăng mạnh chế tài xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất nói chung và việc thu hồi mã số kinh doanh nói riêng theo các mức độ.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra rằng, để tồn tại các bất cập trên đã làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến mục tiêu “khắc phục những hạn chế của hoạt động tạm nhập tái xuất”. Trách nhiệm được quy cho tập thể, cá nhân xây dựng các Thông tư hướng dẫn và các cá nhân được giao nhiệm vụ chưa thực hiện tốt chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan chưa thực hiện việc báo cáo đầy đủ, thường xuyên cho Bộ Công Thương trường hợp doanh nghiệp vi phạm các quy định về kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hoá cũng như việc tồn đọng, kết quả xử lý hàng hoá tạm nhập tái xuất tồn đọng. Các địa phương cũng được đánh giá là chưa chủ động thực hiện việc báo cáo kết quả quản lý Nhà nước về tạm nhập tái xuất cho Bộ Công Thương.

Đặc biệt, báo cáo Thanh tra Chính phủ chỉ ra rằng UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành quyết định thí điểm lựa chọn doanh nghiệp thực hiện tái xuất hàng hoá qua các cửa khẩu phụ, điểm thông quan trong các khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh nhưng chưa thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ Công Thương.

Cụ thể, Quảng Ninh ban hành Quyết định lựa chọn thí điểm doanh nghiệp thực hiện tái xuất hàng hoá, ngoài các yêu cầu chung còn phải “hỗ trợ hoạt động xã hội của tỉnh tối thiểu 10 tỷ đồng, phải có dự án đã và đang đầu tư hoặc được cấp chứng nhận đầu tư tại các khu kinh tế cửa khẩu Quảng Ninh với vốn đầu tư 500 tỷ đồng trở lên”.

Theo Thanh tra Chính phủ, tiêu chí vốn đầu tư 500 tỷ đồng là chưa rõ ràng, minh bạch dẫn đến nhiều đơn vị (10 đơn vị) kinh doanh mặt hàng này chỉ còn 1 doanh nghiệp “đủ điều kiện”. Doanh nghiệp cũng kiến nghị quyết định trên của Quảng Ninh không có căn cứ và không thể đạt được đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Theo Phương Dung (Dân trí )

;
.
.
.
.
.