.

Sáng kiến hiệu quả trong ngành thủy sản

.

Xuất phát từ thực tế sản xuất hiện nay của ngành thủy sản, kỹ sư Nguyễn Thành Chương và các cộng sự Nguyễn Ngọc Hùng, Trần Minh Quân, Nguyễn Hữu Vinh (Công ty CP Công nghệ QCM) nghiên cứu, chế tạo máy phân cỡ tôm điện tử chính xác cho các doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu sản phẩm tôm. Sản phẩm này vinh dự đoạt giải nhất Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc năm 2015 và được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) trao giải “Giải pháp xuất sắc nhất”.

Kỹ sư Nguyễn Thành Chương vận hành máy phân cỡ tôm điện tử trước khi giao cho doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Tình
Kỹ sư Nguyễn Thành Chương vận hành máy phân cỡ tôm điện tử trước khi giao cho doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Tình

Ông Nguyễn Thành Chương, Giám đốc Công ty CP Công nghệ QCM cho biết, giải pháp “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, lắp đặt và chuyển giao máy phân cỡ tôm điện tử phục vụ trong công nghiệp chế biến thủy sản thay thế máy nước ngoài” được nhóm “thai nghén” từ năm 2011, mãi đến năm 2014 mới thành công và năm 2015 bắt đầu cho ra thị trường. Trên thực tế, việc phân cỡ tôm bằng tay tốn quá nhiều nhân công, năng suất thấp; phân cỡ tôm bằng hệ thống phân cơ khí cũng chỉ giải quyết bài toán năng suất nhưng chưa giải quyết triệt để độ chính xác để đáp ứng nhu cầu.

Vì vậy, máy phân cỡ tôm điện tử đã giải quyết kết hợp vừa năng suất, vừa có độ chính xác. Đây là máy phân cỡ tôm điện tử lần đầu tiên được chế tạo tại Việt Nam. Máy có nhiều ưu điểm như bộ phận cấp phôi dạng máng, không dùng băng tải nên tiết kiệm được diện tích; công suất lớn… Hiện nay, máy phân cỡ tôm điện tử của kỹ sư Chương và các cộng sự đã được áp dụng tại các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu, đặc biệt là các DN có tôm giá trị cao và đòi hỏi sự chính xác lớn, giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí đầu tư so với máy nhập ngoại.

Tại xưởng sản xuất nơi kỹ sư Chương và cộng sự đang làm việc, ngoài sản xuất máy phân cỡ tôm điện tử, công ty còn chế tạo thêm các máy xẻ tôm sushi, máy khò da cá hồi… Kỹ sư Chương cho biết thêm, việc thiết lập các thông số cho quá trình cân tôm được hỗ trợ thông qua màn hình cảm ứng, cấu trúc của máy cũng rất thuận tiện cho việc vận hành, vệ sinh và di chuyển, ngôn ngữ lập trình cho máy là tiếng Việt nên dễ dàng sử dụng.

Có thể nói, việc chế tạo thành công máy phân cỡ tôm điện tử của nhóm tác giả Nguyễn Thành Chương và cộng sự đã phần nào giúp các DN giảm được chi phí đầu tư cho sản xuất, qua đó, tăng được tính cạnh tranh của tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Hiện nay máy phân cỡ tôm điện tử đã được đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ của Cục Sở hữu trí tuệ và được Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Đà Nẵng chứng nhận kiểm định độ chính xác các đầu cân của máy.

Thanh Tình

;
.
.
.
.
.