Kinh tế

Thiếu nguồn nhân lực phần mềm chất lượng cao

08:10, 27/06/2016 (GMT+7)

Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) công nghệ thông tin (CNTT) Đà Nẵng đứng trước nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu phần mềm do các đối tác nước ngoài liên tục tìm đến để đặt hàng cho những dự án lớn. Tuy nhiên, không ít DN phải bỏ lỡ các dự án của đối tác vì thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Chương trình đào tạo đại trà ở các trường đại học, cao đẳng hiện nay khiến sinh viên ra trường còn thiếu nhiều kỹ năng cần thiết, không vượt qua các kỳ tuyển dụng của DN.

Trong khi doanh nghiệp “kêu” thiếu nhân lực thì không ít sinh viên công nghệ thông tin ra trường vẫn khó tìm được việc làm do thiếu các kỹ năng cần thiết.  				   Ảnh: HOÀNG HÂN
Trong khi doanh nghiệp “kêu” thiếu nhân lực thì không ít sinh viên công nghệ thông tin ra trường vẫn khó tìm được việc làm do thiếu các kỹ năng cần thiết. Ảnh: HOÀNG HÂN

Bài 1:  Doanh nghiệp cần, sinh viên thiếu

Nhiều năm qua, các DN phần mềm trên địa bàn thành phố luôn trong “cơn khát” nguồn nhân lực chất lượng cao. Không ít DN đang phải đối mặt với tình trạng kỹ sư giỏi “nhảy” việc do thị trường lao động có sự cạnh tranh không lành mạnh. Trong khi DN “kêu” thiếu nhân lực thì nhiều sinh viên công nghệ ra trường vẫn khó tìm được việc làm.

Chỉ 20% sinh viên làm được việc

Theo Hiệp hội Phần mềm (HHPM) Đà Nẵng, hiện thành phố có hơn 100 DN phần mềm thường xuyên đăng tải nhu cầu tuyển dụng nguồn lao động CNTT, nhất là ngành phần mềm. Thống kê của HHPM Đà Nẵng, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, trên trang thông tin điện tử “Việc làm CNTT tại Đà Nẵng” đã đăng tải 1.600 lượt tuyển dụng kỹ sư phần mềm ở nhiều vị trí khác nhau như kiểm thử phần mềm, lập trình viên, phát triển ứng dụng, quản lý phần mềm DN… Nhu cầu tuyển dụng kỹ sư phần mềm tăng cao nhưng thị trường lao động ở Đà Nẵng lại không theo kịp đà tăng trưởng của DN. Nhiều DN đang loay hoay với bài toán không đủ nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và các kỹ năng mềm cho những dự án xuất khẩu “triệu đô”. “Đặc thù của ngành phần mềm là ngành sản xuất, tức là người lao động phải biết tạo ra sản phẩm, mà sản phẩm đó phải bán được ra thị trường. Trong khi chương trình đào tạo ở các trường hiện nay chỉ thiên về đào tạo kỹ sư lý thuyết, chưa thực sự chú trọng đào tạo kỹ sư sản xuất. Vì vậy đa phần sinh viên ra trường khó đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của DN, chưa kể nhiều sinh viên thiếu ngoại ngữ và kỹ năng mềm khác”, ông Vy Văn Việt, Giám đốc Công ty TNHH Đào tạo và công nghệ iViettech, phân tích.

Theo các chuyên gia phần mềm, từ cái “thiếu” trên ghế nhà trường nên nhiều sinh viên ra trường không thể lọt vào “mắt xanh” của các nhà tuyển dụng vì thiếu các kỹ năng, kỹ thuật cơ bản như làm đồ án, phát triển sản phẩm, phân tích và thiết kế. Theo HHPM Đà Nẵng đánh giá, khoảng 3.000 sinh viên CNTT tốt nghiệp trong năm 2015 thì chỉ 20% làm được việc, 80% còn lại DN phải đào tạo bổ sung.

“Săn lùng” kỹ sư phần mềm

Theo các chuyên gia CNTT, trong vài năm trở lại đây, nguồn nhân lực cho ngành phần mềm ngày càng đối mặt với nhiều thách thức khi nhu cầu của DN tăng một cách chóng mặt. Điều này khiến không ít DN gặp sức ép trước yêu cầu ngày càng cao của khách hàng và sự “săn lùng” kỹ sư phần mềm của các công ty khác. Trên thực tế, nhiều DN phần mềm vì thiếu nhân lực giỏi đã gọi điện thoại trực tiếp hoặc gửi thư điện tử đến kỹ sư của DN khác với lời mời gọi một mức lương cao hơn nhiều so với mặt bằng chung. Chính sự cạnh tranh không lành mạnh này đã đẩy nhiều DN làm ăn chân chính phải đương đầu với tình trạng “nhảy” việc thường xuyên. “Để hạn chế tình trạng lao động “nhảy” việc, các DN trong HHPM thường kết nối với nhau trong việc điều chuyển nhân sự nhằm giảm rủi ro cho dự án cũng như sự xáo động của thị trường lao động. Chẳng hạn DN nào hết dự án có thể đưa lao động đến DN khác làm dự án mới. Sự kết nối này không phải vì lợi ích riêng của DN mà còn vì uy tín chung và hình ảnh của ngành xuất khẩu phần mềm thành phố”, anh Đặng Ngọc Hải, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Axon Active Việt Nam tại Đà Nẵng nói.

Tính chuyên môn hóa ngày càng cao trong lĩnh vực gia công phần mềm đã đẩy thị trường lao động vào chỗ bó hẹp vì DN lúc nào cũng muốn tuyển dụng những người có sẵn kinh nghiệm. Vì vậy nhiều sinh viên mới ra trường, nhất là sinh viên, học viên hệ cao đẳng và trung cấp khá chật vật tìm kiếm việc làm sau tốt nghiệp. Hiện các DN phần mềm Đà Nẵng đang lo ngại về tỷ lệ chuyển việc tăng nhanh thông qua các cuộc “săn lùng” nhân sự của nhau, trong khi DN không chú trọng tuyển người được đào tạo từ đầu. “Để đáp ứng yêu cầu dự án của khách hàng thì việc đào tạo bổ sung cho sinh viên mới ra trường là điều tất yếu của DN. Điều này không chỉ giúp các “tân binh” rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế mà còn tăng mức độ gắn bó ở người lao động nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho chính DN”, ông Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân góp ý.

HOÀNG HÂN

.