Ngành phần mềm Đà Nẵng đang gia nhập nhiều xu thế ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hiện đại trên thế giới. Theo các chuyên gia công nghệ, nếu muốn phát triển mạnh ngành công nghiệp phần mềm thì Đà Nẵng phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực, trong đó việc đổi mới chương trình giảng dạy và cách học của sinh viên là điều cần thiết.
Trung tâm huấn luyện tại Trường Cao đẳng CNTT Hữu nghị Việt-Hàn do một doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư. Ảnh: HOÀNG HÂN |
Tăng chất và lượng
Các doanh nghiệp (DN) công nghệ cho rằng, ngành CNTT chỉ có thể phát triển một cách bền vững khi có được nguồn nhân lực dồi dào với chất lượng ổn định. Yêu cầu của các DN CNTT không chỉ là tăng số lượng nguồn nhân lực phần mềm mà phải luôn đi kèm với chất lượng. Vì vậy, việc đổi mới chương trình dạy và học luôn là bài toán khó, gây sức ép đối với các cơ sở đào tạo. Theo các nhà quản lý giáo dục, hiện nay, việc cập nhật các giải pháp công nghệ mới được xem là gánh nặng đối với các giảng viên dạy về CNTT. Trong khi thế giới công nghệ luôn đổi mới hằng ngày thì bài giảng của giảng viên vẫn theo khuôn cũ của 5-10 năm trước khiến sinh viên ra trường không phát huy được tính sáng tạo trong công việc. “Nhà trường không nên trông chờ vào DN mà phải chủ động đổi mới chương trình đào tạo của mình, chẳng hạn như việc dạy tiếng Nhật cho sinh viên. Chúng tôi có sự cam kết rất cao trong việc tuyển dụng các sinh viên biết tiếng Nhật vào làm việc sau khi ra trường. Vì vậy, nhà trường có thể dùng cam kết này để khuyến khích sinh viên theo học tiếng Nhật”, ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc FPT Software (FSoft) Đà Nẵng nói.
Để đổi mới công tác giảng dạy thì cần phải có sự kết nối từ phía nhà trường, DN và cả người học trong hoạt động đào tạo bổ sung kiến thức về quy trình, công nghệ mới và kỹ năng làm việc. “Nhà trường, DN và người học phải ngồi “cùng mâm cùng chiếu” để cùng đầu tư sinh lãi. Nhà trường đầu tư cơ sở vật chất, DN đầu tư vào công tác tuyển dụng nguồn nhân lực và người học phải đầu tư vào việc học”, T.S Hoàng Bảo Hùng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng CNTT Hữu nghị Việt-Hàn phân tích. T.S Hùng lấy ví dụ, vừa rồi, có một công ty nước ngoài đến trường để tuyển dụng nguồn nhân lực biết tiếng Nhật gia công dữ liệu số theo quy trình DN (BPO). DN này chịu bỏ ra một khoản chi phí đầu tư mạo hiểm cho các sinh viên năm cuối vừa học vừa làm, sau đó mời giảng viên dạy ngoại ngữ cho sinh viên. Tất nhiên những sinh viên tham gia khóa học này đều có sự tuyển chọn kỹ càng để tạo ý chí phấn đấu trong việc học. Sau vài tháng đào tạo, DN đã có được nguồn nhân lực chất lượng về làm việc ở công ty của họ mà không phải đào tạo bổ sung nữa, còn sinh viên ra trường không lo thất nghiệp. “Như vậy cả ba phía đều có lợi”, T.S Hùng kết luận.
Thành lập trung tâm huấn luyện
Theo các DN CNTT, nếu chỉ trông chờ vào hệ thống đào tạo chính quy thì ngành phần mềm của Đà Nẵng khó giải được bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực đạt chuẩn. Để có đội ngũ nhân lực CNTT đạt trình độ quốc tế, ông Vy Văn Việt, Giám đốc Công ty TNHH Đào tạo và công nghệ iViettech đề xuất cần thay đổi quy trình và chất lượng đào tạo. “Giải pháp trước mắt cần tạo môi trường giảng dạy CNTT hoàn toàn bằng tiếng Anh để sinh viên theo học ngay từ đầu. Đồng thời cần phải xây dựng các chương trình đào tạo theo hướng xã hội hóa và quốc tế hóa, chứ không nên đào tạo đại trà và ôm đồm như hiện nay”, ông Việt nói. Để làm được điều này, các cơ sở đào tạo cần tăng cường hợp tác quốc tế, mời gọi DN đến giảng dạy tại nhà trường để sinh viên sớm cọ xát với môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Được biết, ngoài chương trình học chính quy, nhiều sinh viên công nghệ hiện đang theo học các lớp bổ sung kiến thức tại các trung tâm huấn luyện ngoài giờ. Một vài DN lớn như FSoft, Axon Active… cũng mở trung tâm huấn luyện tại DN cho các sinh viên thực tập sớm tiếp cận với môi trường làm việc nhiều áp lực. Nhiều DN còn tìm đến các trường học để mở trung tâm huấn luyện tại trường, tạo điều kiện cho sinh viên học thêm những kỹ năng về kỹ thuật và các kỹ năng mềm khác. Các trung tâm huấn luyện này chỉ bao gồm từ 10-15 sinh viên, được đào tạo trong môi trường học tập hoàn toàn bằng tiếng Anh, thậm chí có DN còn hỗ trợ thu nhập nếu sinh viên làm ra được sản phẩm. “Hiện Trung tâm huấn luyện Microsoft dạy miễn phí cho sinh viên năm cuối đang theo học ngành CNTT tại các trường trên địa bàn thành phố. Các em sẽ được học về kỹ năng mềm, nắm bắt được xu thế công nghệ mới. Điều này giúp các em có thêm cơ hội tìm được việc làm sau khi ra trường, đồng thời thông qua đó DN cũng có thể tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao tại trung tâm này”, ông Võ Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm huấn luyện Microsoft tại Đà Nẵng, chia sẻ.
HOÀNG HÂN