.

Ẩm thực là sản phẩm du lịch

.

Ẩm thực miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng rất phong phú, đa dạng, được nhiều du khách trong nước và quốc tế quan tâm. Dù đã có phố điểm tâm Huỳnh Thúc Kháng, phố ẩm thực đêm Phạm Hồng Thái nhưng ẩm thực Đà Nẵng vẫn chưa hình thành một tuyến sản phẩm cụ thể để phục vụ du khách.

Các tour ẩm thực, phố ẩm thực rất cần thiết để phát triển du lịch của thành phố.  Trong ảnh: Các thí sinh của nhà hàng, khách sạn trên địa bàn Đà Nẵng tham dự sơ tuyển cuộc thi Chiếc thìa vàng.  Ảnh: THU HÀ
Các tour ẩm thực, phố ẩm thực rất cần thiết để phát triển du lịch của thành phố. Trong ảnh: Các thí sinh của nhà hàng, khách sạn trên địa bàn Đà Nẵng tham dự sơ tuyển cuộc thi Chiếc thìa vàng. Ảnh: THU HÀ

Tận dụng sản vật địa phương

Đà Nẵng có nguồn nguyên liệu và văn hóa ẩm thực phong phú, tạo ra các món đặc sản địa phương đa dạng nhưng vẫn chưa định hình được sản phẩm cụ thể, rơi vào tình trạng “có nhiều nhưng chưa có gì”. Nhìn rộng ra các nước lân cận, Singapore đã hình thành các quần thể ẩm thực ở các con phố nhỏ xen kẽ với các khu phố chính ở trung tâm, hay Bangkok (Thái Lan) cũng hình thành những khu chợ đêm có các nhà hàng kết hợp với khu mua sắm và vui chơi.

Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc Furama Resort cho rằng, cần nhìn nhận ẩm thực như một sản phẩm du lịch quan trọng và phải phát huy lợi thế sản phẩm du lịch đặc trưng. Dù Đà Nẵng có lợi thế hội tụ văn hóa ẩm thực 3 miền với các món ăn ngon, các địa điểm ăn uống mọc lên khắp nơi nhưng lại phân tán. Bên cạnh đó, các quán ăn, nhà hàng phục vụ thực đơn giống nhau, cạnh tranh về giá cả dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, chất lượng các món ăn vì thế cũng sẽ bị ảnh hưởng và chưa có đơn vị kiểm soát, quản lý.

Để khắc phục điều này, ông Nguyễn Đức Quỳnh gợi ý, Đà Nẵng cần phát triển các địa điểm ẩm thực đúng nghĩa, xây dựng lộ trình phát triển thương hiệu ẩm thực Đà Nẵng phù hợp để phát triển bền vững. Thành phố cần thực hiện ngay từ khâu đầu vào, đào tạo và dạy nghề quản lý bếp, kết nối các trường dạy nghề, nhà hàng, khách sạn, địa phương và khu vực; lập ra thư viện ẩm thực cũng như xuất bản các ấn phẩm về ẩm thực Đà Nẵng.

Tiếp đến, thành phố nên quy hoạch các cơ sở cung cấp nguồn nguyên liệu sạch và định hình thương hiệu địa phương như: nước mắm Nam Ô, hải sản Thọ Quang, rau thơm Trà Quế, bò tơ Tiên Phước… Từ những nguyên liệu này tạo ra một loạt món ăn để giới thiệu với du khách như: mì Quảng, bún chả cá, bún mắm, bánh tráng cuốn thịt heo, tré, nem lụi, bánh xèo, gỏi cá…

Đồng quan điểm, ông Đinh Văn Lộc, Giám đốc Công ty Du lịch Việt Đà cho rằng, một sản phẩm du lịch hay, độc đáo không thể thiếu các món ăn đặc trưng và tiêu biểu của các vùng đó. “Đà Nẵng đang thiếu các nhà hàng chuyên về các món đặc sản kết hợp như khách cần ăn cùng lúc các món mì Quảng, bánh tráng thịt heo, bê thui, bánh xèo… nhưng các nhà hàng chỉ có 1 hoặc 2 món”, ông Lộc nhìn nhận.

Xây dựng thương hiệu ẩm thực Đà Nẵng

Một chuyên gia du lịch bày tỏ, để nâng tầm của ẩm thực Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung, cần xây dựng các tour du lịch ẩm thực, nâng cấp các quán nhậu thành khu phố ẩm thực hoặc nhà hàng đạt chuẩn.

Có bộ sản phẩm marketing để quảng bá tại địa phương và nước ngoài, đăng cai các cuộc thi nấu ăn, các sự kiện ẩm thực lớn… Từng tham gia lễ quảng bá ẩm thực Việt Nam tại Ấn Độ hồi đầu tháng 7 vừa qua, hai đầu bếp Doãn Văn Tuấn và Nguyễn Duy Hoàng (Khu nghỉ dưỡng Furama) rất tự hào khi truyền tải tinh hoa ẩm thực Việt đến thực khách Ấn Độ và quốc tế qua các đặc sản vùng miền như: gà cuốn lá lốt, nem cua bể Hà Nội, cao lầu Hội An, mì Quảng, gỏi…  “Thực khách quốc tế rất yêu thích các món ăn Việt Nam, chúng tôi phải liên tục phục vụ khách và thấy tự hào vì đã góp phần đưa ẩm thực Việt đến gần hơn với bạn bè quốc tế”, đầu bếp Doãn Văn Tuấn chia sẻ.

Trước đó, tại Diễn đàn du lịch mùa xuân 2016, diễn ra hồi tháng 3, đại diện của Khu nghỉ dưỡng Furama cũng đã đề xuất xây dựng chuỗi nhà hàng với thương hiệu riêng của Đà Nẵng có thể lấy tên gọi “Danang House” hay “Tinh hoa ẩm thực Đà Nẵng”, thống nhất về kiến trúc, món ăn và định dạng thương hiệu tại các tỉnh, thành phố khác có đường bay trực tiếp tới Đà Nẵng cả trong nước lẫn quốc tế.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Đức Quỳnh, Furama sẽ kết hợp với chính quyền liên hệ vị trí xây dựng và hình thành đề án khả thi chuỗi nhà hàng rộng khắp các tỉnh trong và ngoài nước. Với lối kiến trúc, thực đơn, trang phục thuần chất Đà Nẵng, nơi đây sẽ là “đại sứ ẩm thực” của Đà Nẵng, giới thiệu các món ăn địa phương, không chỉ quảng bá ẩm thực mà cả văn hóa, lịch sử, nghệ thuật… và điểm đến này trở thành cầu nối du lịch, thương mại từ các nơi đến Đà Nẵng. “Đề án sẽ được Furama cùng Hiệp hội Du lịch và chính quyền thành phố phối hợp, phát triển, hy vọng sẽ là một bước đi mạnh mẽ để phát triển du lịch Đà Nẵng gắn liền với ẩm thực và văn hóa địa phương. Dự án cần có sự chuẩn bị chu đáo về địa điểm, mặt bằng, nguồn nguyên liệu và nhân lực.

Nhưng tôi chắc chắn rằng, trong thời điểm món ăn Việt đang được ưa chuộng trên toàn cầu thì những nhà hàng với thương hiệu riêng của Đà Nẵng sẽ được đông đảo du khách đón nhận nồng nhiệt”, ông Quỳnh kỳ vọng.

THU HÀ

;
.
.
.
.
.