Năm 2013, hơn 3,1 triệu lượt khách (tăng 17,2% so với năm trước), doanh thu đạt hơn 7.800 tỷ đồng (tăng 29,8%); năm 2014, hơn 3,8 triệu lượt khách (tăng 21,9%), doanh thu đạt hơn 9.700 tỷ đồng (tăng 25%); năm 2015, hơn 4,6 triệu lượt khách (tăng 20%), doanh thu đạt hơn 12.700 tỷ đồng (tăng 28,7%)…
Cuối tuần rồi mà ngồi nói khan mấy con số đó là có nghĩa gì?
Xin thưa rằng, đó là con số ước tính thành phố đạt được ở lĩnh vực du lịch trong 3 năm gần đây nhất; để thấy rằng cả số lượng khách và doanh thu từ du lịch tăng vùn vụt qua từng năm. Nhìn thật kỹ những con số đó, thì bên cạnh điều mừng nhưng cũng thật nhiều điều đáng lo.
Lo vì với sự đầu tư ngày càng mạnh mẽ của thành phố, trong bối cảnh xem du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn trong đột phá dịch vụ, đáng lẽ ra con số sau (doanh thu) phải tăng mạnh hơn con số trước (lượt khách), tỷ lệ tăng trưởng giữa hai con số này đáng lẽ ngày càng doãng ra hơn nữa thì nó vẫn cứ bình bình; chưa nói là 2 năm gần đây có xu hướng thu hẹp hơn (3-8%) so với năm 2013 (12,6%).
Con số đó thể hiện rằng, số lượng khách tăng nhưng chi tiêu không tăng là bao, từ đó dẫn đến lượng tăng doanh thu từ du lịch không cao. Điều đó cũng giải thích cho việc chất lượng khách du lịch chưa được chú trọng; thị trường tiềm năng với những “khách sang” vẫn chưa được khai thác một cách hiệu quả, vẫn cứ mãi quẩn quanh với thị trường cũ; trong đó có thị trường khách quốc tế.
5 năm trở lại đây (2011-2015), lượng khách Trung Quốc luôn dẫn đầu nhóm 10 thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng. Bên cạnh đó là sự chênh lệch giữa lượng khách Trung Quốc với các thị trường khách khác như Nhật, Mỹ, Úc… Đơn cử như năm 2015, thành phố Đà Nẵng đón 334.938 lượt khách Trung Quốc nhưng chỉ đón được 68.295 khách Nhật Bản (xếp thứ 3), sau đó đến khách Mỹ (30.170 lượt), khách Úc (22.566 lượt), khách Thái Lan (19.667 lượt)… Với lượng khách chiếm tỷ lệ lớn như vậy, thì ngay cả việc tổ chức tour trái phép cho du khách Trung Quốc và hướng dẫn viên Trung Quốc hoạt động trái phép thời gian qua cũng gây thất thoát không nhỏ về doanh thu du lịch của thành phố.
Với tinh thần hiếu khách của người Việt, khách nào đến cũng được trân trọng đón tiếp; nhưng sự tăng trưởng “nóng” cùng với những vụ việc lùm xùm về thị trường khách du lịch Trung Quốc gần đây cho thấy, cần phải chọn lối đi cho phù hợp với định hướng và đầu tư phát triển du lịch của thành phố. Đó chính là sự lựa chọn du lịch bền vững, chứ không làm theo kiểu “ăn xổi ở thì”, “vạt bèo vớt tép”…
Để giải quyết vấn đề này, điều cốt yếu vẫn là chuẩn bị nguồn nhân lực và hạ tầng phát triển ổn định, bảo đảm theo kịp phát triển du lịch. Nếu có một đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước đầy đủ, có năng lực và tâm huyết, thì rõ ràng sẽ không có tình trạng hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc hoạt động trái phép dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc, gây hình ảnh xấu cho du lịch Đà Nẵng thời gian qua; sẽ không có tình trạng doanh nghiệp Việt bao che, dung túng cho hành vi hoạt động du lịch trái phép mang yếu tố nước ngoài…
Cùng với việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ du lịch, thì việc thu hút các dự án du lịch cũng cần được nâng chất hơn nữa, để có những dự án lớn, làm điểm đến cho du khách hạng sang, mức chi tiêu cao; từ đó đưa khoảng cách tỷ lệ tăng trưởng số lượng khách với doanh thu du lịch ngày càng doãng ra mạnh hơn. Việc doanh thu du lịch tăng trưởng mạnh sẽ tiếp tục thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực này một cách bài bản, khoa học và hiệu quả hơn, thu hút khách chọn lọc hơn; từ đó mới mong đem lại sự phát triển bền vững thực sự cho ngành “công nghiệp không khói” này.
Tuy nhiên, lựa chọn là một đằng, còn làm thế nào mới là… chuyện đáng nói!
MINH THƯ - THU HÀ