.

Đẩy mạnh các giải pháp phát triển thị trường

.

* Các bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm để xảy ra thảm họa môi trường

Chiều 12-7, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành tại 3 điểm cầu: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Chủ trì hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. Tại đầu cầu Đà Nẵng có sự tham gia của đại diện lãnh đạo ngành Công thương các tỉnh, thành phố miền Trung-Tây Nguyên.

Theo Bộ Công thương, trong 6 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp cả nước tăng 7,5%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,7% của cùng kỳ năm 2015. Chỉ số tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo tăng 9% so với cùng kỳ năm 2015. Một số ngành có mức tồn kho cao như: sản xuất xe có động cơ, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, giấy và các sản phẩm từ giấy. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2015. Từ nay đến hết năm, dự báo kinh tế thế giới phục hồi chậm, tiềm ẩn nhiều rủi ro, tác động đến hoạt động xuất khẩu nước ta. Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu cần sự nỗ lực rất lớn từ các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu.

Tại Đà Nẵng, báo cáo của Sở Công thương cho biết, phát triển sản xuất công nghiệp trên địa bàn 6 tháng đầu năm đạt trên 23.100 tỷ đồng, tăng gần 11%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 568 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2015; phát hiện và xử lý gần 4.400 vụ vi phạm về hàng hóa, thu ngân sách gần 11 tỷ đồng.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao những kết quả, nỗ lực ngành Công thương đã đạt được; trong đó có những điểm tiến bộ hơn năm trước, tạo khí thế thi đua sôi nổi ở nhiều địa phương về việc tham gia thị trường nội địa và xuất khẩu trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý một số chỉ tiêu tăng trưởng ngành công nghiệp xuất khẩu tăng thấp hơn cùng kỳ; tình hình quản lý thị trường còn nhiều bất cập, gian lận thương mại, vi phạm an toàn thực phẩm còn tiếp diễn, xảy ra lừa đảo trong bán hàng đa cấp, tình trạng hàng giả, hàng nhái gây bức xúc cho xã hội; việc sắp xếp đổi mới doanh nghiệp, triển khai cổ phần hóa chậm; công tác cán bộ còn bất cập, tạo dư luận không tốt; tổ chức thị trường trong nước chưa hiệu quả, một số tập đoàn bán lẻ đã rơi vào tay của nước ngoài…

Trước những tồn tại đang đặt ra cho ngành Công thương, Thủ tướng yêu cầu: cần xây dựng lộ trình triển khai các nhiệm vụ trong thời gian tới về tổ chức không gian công nghiệp thể hiện tốt vai trò các vùng kinh tế trong cả nước; đầu tư nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng chiến lược phát triển một số ngành; coi trọng vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế; tăng hiệu quả của hoạt động các thương vụ; làm tốt công tác thương mại biên giới...

 “Tôi nêu ra các vấn đề còn hạn chế để cùng hành động khắc phục không chỉ trong 6 tháng còn lại mà cần có chiến lược, tổ chức thực thi tốt hơn về lâu dài. Rất nhiều vấn đề đã làm tốt hơn nữa như: cải cách thể chế, cơ chế quản lý; đổi mới tư duy làm việc. Rất nhiều vấn đề khác như: độc quyền, mua bán thị phần, chống mặt trái của thị trường cần được đẩy mạnh, tổ chức tốt hơn...”, Thủ tướng nói; đồng thời yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ, nhân dân nếu để xảy ra thảm họa môi trường...

Thủ tướng nhấn mạnh: Trong 6 tháng còn lại, Bộ, ngành tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi; thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước...

DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.