Xung quanh vụ tranh chấp giữa Siêu thị BigC Đà Nẵng và Công ty CP Đức Mạnh, luật sư Lê Ngô Hoài Phong (ảnh), Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh tại Đà Nẵng cho rằng, để hạn chế tranh chấp, trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng, cần sự chặt chẽ, rõ ràng và cần sự tư vấn của luật sư. Trong bối cảnh doanh nghiệp đang hội nhập sâu rộng, càng cần sự tư vấn kỹ càng về mặt pháp lý cũng như ý thức về độ an toàn pháp lý.
Đại diện BigC Đà Nẵng đưa Chi cục Thi hành án và Viện KSND thành phố đi kiểm tra khu vực xảy ra tranh chấp điện, nước, cầu thang máy. Ảnh: DUYÊN ANH |
* Quan điểm cá nhân ông về vụ tranh chấp mặt bằng giữa BigC Đà Nẵng và Công ty CP Đức Mạnh như thế nào?
- Qua vụ việc này cho thấy, việc Công ty CP Đức Mạnh ký với Công ty Vindemia (Pháp) hợp đồng cho thuê từ tầng hầm đến tầng 4 tòa nhà Vĩnh Trung trong một thời hạn dài lên tới 40 năm, chắc chắn hai bên đều có những điều khoản hợp đồng rất chặt chẽ. Xuất hiện bên thứ ba là BigC Đà Nẵng nên đây là vấn đề tranh chấp khá phức tạp; để xác định bên nào đúng, bên nào sai, cần phải có thời gian.
Trong trường hợp một bên chấm dứt hợp đồng trước thời hạn sẽ phải bồi thường thiệt hại theo các quy định tại các điều khoản đã được ghi cụ thể trong hợp đồng. Thiệt hại từ BigC Đà Nẵng trong kinh doanh là thiệt hại có thể tính toán, nhưng còn thiệt hại khi người lao động bị mất việc sẽ ảnh hưởng rất lớn. Những thiệt hại từ BigC Đà Nẵng kéo theo hệ lụy về phía xã hội, điều này không thể buộc Công ty CP Đức Mạnh chi trả bằng nguồn tài chính trực tiếp nhưng nó sẽ giảm uy tín của doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn sống được phải bằng uy tín. Đây là khía cạnh mà các bên liên quan cần xem xét.
* Từ vụ việc này, liệu các nhà đầu tư nước ngoài có ngần ngại khi làm ăn với doanh nghiệp trong nước?
- Theo tôi, xu hướng doanh nghiệp ngày càng phát triển lớn mạnh và vươn xa, trong quan hệ làm ăn, chữ tín phải được đặt lên hàng đầu. Hiện nay, có khá nhiều doanh nghiệp đạt tầm cỡ thế giới, thương hiệu càng phải gắn liền với sự uy tín. Trường hợp như vụ bảo mật iPhone ở Mỹ là minh chứng cho sự uy tín đó. Tâm lý nhiều doanh nghiệp của Việt Nam ở góc độ nào đó không nhìn dài hơi mà chỉ nghĩ đến lợi - hại trước mắt. Nếu trường hợp tương tự xảy ra thường xuyên, không chỉ uy tín cá nhân doanh nghiệp bị ảnh hưởng mà cả doanh nghiệp Việt Nam nói chung cũng bị ảnh hưởng. Xa hơn nữa là môi trường đầu tư trong nước cũng bị ảnh hưởng theo.
Xét trên vụ việc tranh chấp giữa BigC Đà Nẵng và Công ty CP Đức Mạnh, nói chung nhà đầu tư sẽ có chút gì đó e dè khi quan hệ hợp tác với doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng dựa vào những khía cạnh mà quyết định hợp tác, hai bên còn dựa vào việc xem xét từ đối tác cụ thể.
* Để hạn chế tình trạng kiện tụng nhau, các doanh nghiệp trước khi đặt bút ký các thỏa thuận thì cần lưu ý gì, thưa ông?
- Ông bà ta có câu “Mất lòng trước, được lòng sau”. Thông thường khi các doanh nghiệp Việt Nam giao kết hợp đồng cũng thờ ơ trong việc đàm phán giữa hai bên. Họ cứ nghĩ rằng, cứ soạn hợp đồng thật nhiều trang, thật nhiều nội dung, thật chặt chẽ thì dễ làm phật ý đối tác. Song, có khi chưa hiểu hoặc phân vân về những điều khoản mà người ta vẫn đặt bút ký vì ngại yêu cầu giải thích, ngại đàm phán. Chính vì những điều không rõ ràng, những điều tưởng như nhỏ nhặt đó sẽ dẫn đến tranh chấp sau này.
Để hạn chế tranh chấp, trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng, cần sự chặt chẽ, rõ ràng và cần sự tư vấn. Trong bối cảnh doanh nghiệp đang hội nhập sâu rộng, càng cần sự tư vấn kỹ càng về mặt pháp lý cũng như ý thức về độ an toàn pháp lý để đi con đường dài. Thế nhưng, thực tế, không chỉ có doanh nghiệp nhỏ mà ngay cả doanh nghiệp lớn cũng không quan tâm những vấn đề này. Điều này không phụ thuộc vào doanh nghiệp lớn hay nhỏ mà phụ thuộc vào ý thức của lãnh đạo doanh nghiệp đó. Đặc biệt, khi giao dịch với đối tác nước ngoài, nếu không có sự am hiểu pháp luật, kiến thức thương mại quốc tế sẽ rất bất lợi trong các hợp đồng.
Các doanh nghiệp cần phải hiểu rằng, để giải quyết một vụ tranh chấp thì vô cùng tốn kém. Muốn thắng một vụ kiện dưới sự phán xét của trọng tài quốc tế, các bên phải bỏ ra một khoản tiền lớn hơn rất nhiều giá trị tài sản của mình. Đối với doanh nghiệp nhỏ, muốn đòi lại công bằng sẽ vấp phải vấn đề chi phí nên không dám theo đuổi vụ kiện. Khi giao dịch, nhiều người chủ quan và cho rằng, để luật sư hay một bên thứ ba tham gia thì khó chớp được thời cơ. Nhưng nếu có sự tư vấn từ phía các luật sư, doanh nghiệp sẽ nắm bắt những sơ hở trong hợp đồng, những chỗ nào sẽ gặp rủi ro, dù không đưa vào trong hợp đồng vẫn có cách để phòng tránh.
* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
DUYÊN ANH thực hiện