.

Hiệu quả quản lý vận tải từ hộp đen

.

Theo Nghị định 86/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1-7-2015, tất cả xe tải đầu kéo rơ-mooc, sơ-mi rơ-mooc và từ ngày 1-7-2016 các loại xe tải từ 7 tấn trở lên đều phải lắp thiết bị hành trình trên xe (hộp đen). Đây được xem là điều kiện bắt buộc để các cơ quan xem xét cấp phép hoạt động cho các phương tiện. Trong lúc nhiều địa phương khá lúng túng trong việc “chạy” theo mốc thời gian này thì tại Đà Nẵng, mọi việc được hoàn tất từ rất sớm và đã phát huy hiệu quả.

Tất cả thông tin từ “hộp đen” đều được kết nối với máy chủ đặt tại Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng thành phố.									      Ảnh: THANH VÂN
Tất cả thông tin từ “hộp đen” đều được kết nối với máy chủ đặt tại Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng thành phố. Ảnh: THANH VÂN

Ông Nguyễn Hương, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới thành phố cho biết, từ năm 2014 có Nghị định 86, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã yêu cầu đưa việc kiểm tra hộp đen là một nội dung bắt buộc đối với các loại xe do thành phố quản lý. “Tất cả ô-tô đăng ký tại Đà Nẵng, khi đưa xe đi kiểm định định kỳ, chúng tôi đều yêu cầu cung cấp mật khẩu để kiểm tra hộp đen có thực sự tồn tại và hoạt động hay không. Chúng tôi cho in thông tin này và kẹp vào hồ sơ như điều kiện đủ để đăng kiểm phương tiện. Nếu xe nào không có hộp đen thì không được đăng kiểm. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn, tất cả xe trong diện phải lắp hộp đen đều đã lắp đặt hộp đen”, ông Nguyễn Hương nói.

Ông Nguyễn Văn Long, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ vận tải Hải Vân khẳng định: Đến nay, tài xế đã biết “sợ” hộp đen. Hơn 2 năm nay, cả trăm phương tiện của đơn vị bao gồm: xe buýt, xe khách chạy tuyến cố định đều được lắp đặt hộp đen. Cũng nhờ có hộp đen nên đã giảm nhiều vụ tai nạn giao thông.

Tài xế N.V.T thuộc Công ty CP Xây dựng và đầu tư Đà Nẵng (DINCO) cho hay: “Lúc mới về cơ quan, tôi cho xe chạy trên 40 km/giờ, nhưng chỉ chạy được đoạn ngắn đã bị cơ quan gọi điện thoại nhắc nhở và kèm theo yêu cầu về cơ quan nhận tờ cảnh cáo lần thứ nhất. Nhờ cách quản lý thông qua hộp đen này, cánh tài xế chúng tôi ý thức được vấn đề an toàn giao thông, điều khiển phương tiện giao thông đúng pháp luật quy định”.

Hộp đen đã trở thành phương tiện quản lý vận tải hiệu quả. Tuy nhiên, một thực tế diễn ra là các doanh nghiệp vận tải ở Đà Nẵng có quy mô nhỏ không thể đầu tư một máy chủ cũng như bố trí nhân viên trực tiếp theo dõi hành trình của phương tiện suốt 24/24 giờ. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp phải “ký gửi” thông tin từ hộp đen này về các nhà cung cấp thiết bị hoặc Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng theo dõi giúp. Thế nhưng, các đơn vị này nhận “ký gửi” như vậy quá nhiều nên cũng không thể theo dõi hết để kịp thời có những thông báo nhanh chóng và chính xác đến các tài xế điều khiển xe trên đường, vì vậy phần nào hạn chế hiệu quả theo dõi hộp đen.

THANH VÂN

;
.
.
.
.
.