.

Khởi nghiệp bằng tận dụng nguyên liệu có sẵn

.

Trở về Việt Nam sau hơn 10 năm sinh sống tại Mỹ, chị Đỗ Lê Kim Huệ (SN 1982) và chồng nhận thấy quê mình có một nguồn nguyên liệu dồi dào là dầu dừa. “Dừa ở quê mình bạt ngàn, trong khi ở phương Tây khó tìm được”, chị Huệ chia sẻ.

Chị Trịnh Thị Hồng hướng dẫn phụ nữ phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) cách làm nước tẩy rửa từ “rác thải” trong một buổi họp mặt của Hội Phụ nữ phường.		Ảnh: KHANG NINH
Chị Trịnh Thị Hồng hướng dẫn phụ nữ phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) cách làm nước tẩy rửa từ “rác thải” trong một buổi họp mặt của Hội Phụ nữ phường. Ảnh: KHANG NINH

Chị Đỗ Lê Kim Huệ cho biết, dầu dừa có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt với phụ nữ. Nếu có phương pháp tách chiết phù hợp, từ trái dừa có thể tạo được những sản phẩm hữu ích cho người sử dụng. Từ đó, sản phẩm đầu tiên ra đời sau khoảng nửa năm thí nghiệm là một mẻ… bánh xà phòng dầu dừa. Thấy dùng tốt, chị Huệ mang sản phẩm tặng người thân và bạn bè. Người này truyền tai người kia, bắt đầu có những lời “nhắn nhủ” nhờ chị Huệ tiếp tục làm các sản phẩm từ dầu dừa. Vậy là năm 2014, dự án khởi nghiệp Tara ra đời. Qua gần 2 năm, từ mẻ bánh xà phòng, Tara đã sản xuất son môi, sữa tắm, xà phòng, thuốc xịt chống côn trùng... được làm hoàn toàn từ nguyên liệu thiên nhiên và đều chứa dầu dừa.   

Vào khoảng thời gian đó, ở Đà Nẵng còn có một người phụ nữ tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn để sản xuất. Đó là chị Trịnh Thị Hồng (SN 1965), với sản phẩm là nước rửa chén, lau nhà, chùi rửa; nguyên liệu không gì khác ngoài... rác thải. “Rác” ở đây là thứ mà nhà nào cũng có như: cọng rau sống, hoa héo, lá cây rụng… Chị Hồng ngâm “rác” trong nước sạch và đường, cứ 10kg “rác” cho ra 3 lít nước sản phẩm tẩy rửa. Nếu chưng cất lần đầu, toàn bộ quá trình mất khoảng 45 ngày, nhưng qua tới lần thứ hai, thứ ba... thì chỉ cần chưa đến 1 tuần là ra được sản phẩm. Chị Hồng chia sẻ, ý tưởng này đến từ một hội nghị giúp phát triển cộng đồng tại Philippines mà chị tham dự vào năm 2013. Sau hơn 3 năm, chị thành lập Công ty TNHH Minh Hồng chuyên sản xuất sản phẩm tẩy rửa từ “rác thải”.

Hai doanh nghiệp khởi nghiệp của chị Hồng và chị Huệ đã được chọn tham gia vòng chung kết cuộc thi khởi nghiệp trong khuôn khổ Hội nghị Khởi nghiệp tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 5 vừa qua.

Chị Huệ chia sẻ: “Khi khởi nghiệp, cần biết lúc nào thì nên làm điều gì. Khi quy mô còn nhỏ, phải làm theo kiểu nhỏ, quy mô lớn mới được làm theo kiểu lớn”. Bài toán “lúc nào thì nên làm điều gì” cũng được chị Hồng chia sẻ, cách đây chưa lâu, chị tình cờ phát hiện sản phẩm của mình bị “ăn cắp” ý tưởng để dự thi ở một thành phố khác. Nhờ sự hỗ trợ của ngành chức năng ở Đà Nẵng và luật sư, chị đã hoàn tất thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ cho những “đứa con” của mình.

Chị Huệ và chị Hồng đều thống nhất quan điểm: Để đi đường dài, sản phẩm của một doanh nghiệp khởi nghiệp phải mang lại giá trị cho cộng đồng ngoài giá trị của sản phẩm. Chị Huệ cho biết: “Định hướng của Tara là phát triển thành sản phẩm đặc trưng của Đà Nẵng bằng việc dùng nguyên liệu tại chỗ (như muối biển, nấm linh chi...), còn trên bao bì sẽ thiết kế hình ảnh thành phố kèm theo những dòng chú thích ngắn gọn. Thực tế, hiện nay, nhiều sản phẩm của Tara đã được đóng gói trong các túi giấy có in hình núi Ngũ Hành Sơn, tượng Phật Chăm-pa..., được khách hàng yêu thích”. Trong khi đó, chị Hồng lại hướng đến mục đích tạo ra việc làm cho chị em địa phương từ chai nước rửa chén, bình nước lau sàn... Trong một buổi gặp mặt hơn 100 phụ nữ phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) giữa tháng 7 vừa qua, “bà chủ” doanh nghiệp Minh Hồng nói: “Làm cái ni rất dễ, nếu bán thì mỗi tháng cũng thêm 2-3 triệu đồng, đủ trả tiền điện, nước, lo tiền ăn sáng cho con...”.

Được biết, hiện doanh nghiệp chị Hồng đã có gần 550 khách hàng thường xuyên và 28 đại lý phân phối. Đến năm 2020, doanh nghiệp dự kiến tạo ra việc làm cho khoảng 11.000 lao động. “Vừa dễ làm, vừa gom được rác, tốt cho môi trường nên tôi mong càng nhiều người làm càng tốt”, chị Hồng nói.

KHANG NINH

;
.
.
.
.
.