Kinh tế
Không phát triển du lịch kiểu "ăn xổi"
Chiều 7-7, đoàn công tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) do Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Sở Du lịch Đà Nẵng, Sở VH-TT&DL các tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế về tình hình các công ty lữ hành hoạt động đón khách Trung Quốc, Hàn Quốc và hướng dẫn viên (HDV) người nước ngoài tham gia hướng dẫn khách.
Cần duy trì các điểm đến an toàn, thân thiện để thực sự thu hút khách du lịch bền vững. TRONG ẢNH: Du khách tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Ảnh: THU HÀ |
Không để biến tướng
Báo cáo của các địa phương tại buổi làm việc cho biết, tỉnh Quảng Nam mỗi năm đón khoảng 4 triệu lượt khách. Khách Đông Bắc Á chiếm khoảng 14%, trong đó có cả khách Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Tại Quảng Nam, không có các đơn vị lữ hành làm việc trực tiếp, chủ yếu là các công ty lữ hành từ thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng đưa khách đến. Thời gian qua, Quảng Nam đã xử lý 1 công ty và 1 HDV vi phạm quy định của luật pháp Việt Nam về hoạt động du lịch.
Trong khi đó, trong 6 tháng đầu năm 2016, Thừa Thiên Huế đón 1,7 triệu lượt khách. Tại địa bàn Thừa Thiên Huế, có 83 công ty lữ hành hoạt động, trong đó có 47 công ty lữ hành quốc tế, 2 công ty khai thác thị trường khách Trung Quốc, 2 công ty khai thác thị trường khách Hàn Quốc với 1.302 HDV. Có 60 HDV tiếng Trung Quốc đã được cấp thẻ chủ yếu hoạt động ở thị trường Đà Nẵng. Thừa Thiên Huế kiểm tra rất chặt chẽ các HDV hoạt động trên địa bàn, chưa phát hiện trường hợp HDV người Trung Quốc nào hoạt động không hợp pháp. Mới đây, Sở đã xử phạt 1 trường hợp HDV tiếng Hàn Quốc vi phạm. Sở VH-TT&DL Thừa Thiên Huế đề xuất phối hợp với các hiệp hội nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, HDV; khuyến cáo các công ty không tiếp tay kinh doanh bất hợp pháp.
Tại Đà Nẵng, thị trường khách Trung Quốc đứng đầu trong top 10 thị trường đến Đà Nẵng; 6 tháng đầu năm 2016 ước đạt 207.878 lượt khách, tăng 154,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỗi tuần có 54 chuyến bay từ 12 đường bay thường kỳ và thuê chuyến từ Trung Quốc đến Đà Nẵng. Hoạt động kinh doanh lữ hành và HDV trái phép tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng không chỉ ở thị trường khách Trung Quốc mà cả thị trường khách Hàn Quốc. Các đối tượng này hoạt động rất tinh vi, vì đã có thời gian ở Việt Nam và hoạt động nhiều năm tại một số địa phương, được một số công ty lữ hành và HDV Việt Nam tiếp tay, làm bình phong.
Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng đề nghị Bộ VH-TT&DL sớm quan tâm, nhanh chóng có giải pháp để tháo gỡ vấn đề người nước ngoài làm HDV tại Đà Nẵng nhằm tránh tình trạng biến tướng. Ông Vinh cho rằng, cần tăng cường bồi dưỡng cho các sinh viên năm 3, 4 tiếng Hàn Quốc, Trung Quốc để bổ sung vào mùa cao điểm từ tháng 6-10; yêu cầu các công ty đối tác khai thác khách Trung Quốc đóng góp quỹ đào tạo nguồn nhân lực; phải sớm cho một số địa phương phát triển “nóng” về du lịch thành lập cảnh sát du lịch…
Cần duy trì các điểm đến an toàn, thân thiện để thực sự thu hút khách du lịch bền vững. TRONG ẢNH: Du khách tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Ảnh: THU HÀ |
Phát triển du lịch bền vững, chất lượng cao
Theo Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, 3 vấn đề chính trong hoạt động của các đơn vị lữ hành và các HDV hiện nay bao gồm: xem xét nguyên nhân, đề xuất xử lý trước mắt và đưa ra các biện pháp lâu dài để giải quyết những bất cập nêu trên.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhấn mạnh: Điều quan trọng là phải kiên quyết phát triển du lịch chất lượng cao, chuyển từ lượng sang chất và bền vững. Việc quản lý các điểm đến Việt Nam nói chung và địa phương nói riêng phải duy trì điểm đến an toàn, thân thiện; hạn chế những điểm yếu, từng bước khắc phục những thiếu sót cả về năng lực lẫn hạ tầng; tăng cường thanh, kiểm tra liên tục và kiên quyết với các đối tượng khách. Người đứng đầu chính quyền địa phương cũng phải vào cuộc để có sự phối hợp đồng bộ.
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, trước đó, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đã có công văn gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, trong đó nhấn mạnh tăng cường kiểm tra tình hình hoạt động du lịch. Khách du lịch một số thị trường quá đông so với dự kiến, sự chuẩn bị chưa chu đáo nên xảy ra một số sự cố ở Nha Trang, Đà Nẵng và một số nơi khác, ảnh hưởng đến hình ảnh của địa phương và đất nước. Nguyên nhân do tăng trưởng “nóng”, chưa chuẩn bị kịp nguồn nhân lực, HDV chưa đáp ứng nhu cầu, điều kiện về con người chưa đủ, quản lý chưa tốt. Bộ máy thanh tra, kiểm tra một số địa phương chưa đủ sức, sự phối hợp chưa đồng bộ nhịp nhàng, đồng bộ...
Quan điểm của Bộ là phát triển du lịch bền vững, có chất lượng cao, không “ăn xổi ở thì”, phải làm sao để điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện, đúng pháp luật. Trước mắt, Thứ trưởng đồng ý đề nghị Đà Nẵng thành lập nhanh đội liên ngành do UBND thành phố quyết định. Sở Du lịch thường trực thanh tra, phối hợp với các đơn vị liên quan để có quy chế làm việc, kinh phí và phương tiện hoạt động. Đội liên ngành sẽ xử lý nhanh các đối tượng núp bóng, các đối tượng ăn hoa hồng để cạnh tranh không đúng luật pháp.
Tổng cục Du lịch đề xuất một số giải pháp như: giải quyết các đặc cách của HDV du lịch, phải làm theo quy trình hợp lý, đúng quy định trong khi chờ đợi sửa đổi Luật Du lịch. Riêng việc thành lập cảnh sát du lịch là vấn đề lớn, cần nghiên cứu thêm. Các hiệp hội du lịch tiếp tục vận động tăng cường kiểm tra, giám sát trong các doanh nghiệp, phát hiện đơn vị nào làm không tốt thì báo để kịp thời xử lý. Tổng cục Du lịch cũng sẽ rà soát lại giấy phép của các công ty lữ hành quốc tế.
“Về lâu dài, Tổng cục Du lịch đề xuất với Bộ chỉnh sửa Luật Du lịch phù hợp với thực tế; nghiên cứu thị trường một cách thực tế hơn để có thông tin cho các địa phương, dự báo được tình hình khách du lịch trong ngắn hạn và dài hạn; chỉ đạo các công ty lữ hành phải ký cam kết, các nhà hàng, khu điểm gắn camera; nghiên cứu kỹ các đường bay, đặc biệt là các chuyến bay thuê chuyến. Từ nay đến cuối năm, Bộ Công an hoàn thành đề án Xuất nhập cảnh điện tử, thị thực điện tử thì sẽ quản lý tốt hơn khách du lịch nước ngoài”, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh.
THU HÀ