.
Phản hồi bài "Thiếu nguồn phần mềm chất lượng cao"

Cần định hướng nghề nghiệp cho sinh viên

.

Sau khi Báo Đà Nẵng số ra ngày 27 và 28-6, đăng bài 2 kỳ “Thiếu nguồn phần mềm chất lượng cao”, nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục tiếp tục đóng góp thêm ý kiến trong vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phần mềm, đổi mới công tác đào tạo ở các trường học và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên công nghệ.

* Ông Ngô Chí Trung, Giám đốc Công ty TNHH Tin học và Thương mại ASNET: Nên đào tạo theo chiều sâu

Ngành phần mềm đang dần phân hóa thành 2 nhóm yêu cầu: Các doanh nghiệp (DN) lớn thường cần số lượng lớn kỹ sư có trình độ ngang nhau, trong khi các DN nhỏ cần tuyển kỹ sư có kiến thức chuyên sâu. Thị trường Đà Nẵng bây giờ chưa thể đáp ứng được lượng lớn kỹ sư phần mềm theo yêu cầu của DN lớn thì việc đào tạo kỹ sư chuyên sâu cho DN nhỏ là yêu cầu cấp bách. Hiện các DN phần mềm chủ yếu làm việc theo hướng chiều sâu với nhiều công việc khác nhau như kiểm thử, lập trình viên, quản lý hệ thống thông tin… Mỗi công việc đòi hỏi một kiến thức kỹ thuật riêng để tạo tính chuyên môn hóa trong dây chuyền sản xuất nhằm hạn chế sai sót và rút ngắn thời gian giao dự án cho khách hàng. Vì vậy, nhà trường cần đào tạo sinh viên theo hướng chiều sâu cho mỗi ngành nghề khác nhau. Không chỉ đầu tư chiều sâu về kiến thức, ngành giáo dục còn phải khơi gợi chiều sâu đam mê cho sinh viên với thái độ học tập thật nghiêm túc.

* Ông Đặng Hoàng Long, Giám đốc Chi nhánh Công ty Global CyberSoft Việt Nam tại Đà Nẵng: Chủ động dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực

Để các cơ sở đào tạo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường phần mềm, cơ quan quản lý Nhà nước cần chủ động liên hệ với DN trong vấn đề dự báo nhu cầu nguồn nhân lực như cơ cấu ngành nghề, số lượng lao động... Việc dự báo nhu cầu nguồn nhân lực phần mềm sẽ góp phần rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và tuyển dụng, tạo cơ hội tiếp cận môi trường làm việc thực tế cho sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Về vấn đề đổi mới công tác đào tạo, nhà trường nên mời các chuyên gia của DN vừa hỗ trợ huấn luyện chuyên môn vừa tham gia góp ý xây dựng giáo trình phù hợp với yêu cầu công việc tại DN. Điều này sẽ giúp các giảng viên cập nhật những kiến thức công nghệ mới để truyền tải vào bài giảng cho sinh viên, giúp các em có cơ hội sáng tạo nên những sản phẩm công nghệ mang tính thương mại cao.    

HOÀNG HÂN ghi

;
.
.
.
.
.