Sau khi nhậm thức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã liên tục yêu cầu phải tạo mọi điều kiện cho khởi nghiệp, đưa năm 2016 là năm khởi nghiệp. Vậy tại sao Việt Nam phải “làm” khởi nghiệp?
Các startup đang cùng phát triển ý tưởng tại UP – một không gian làm việc chung dành riêng cho khởi nghiệp do UP Co-working Space xây dựng. Ảnh: VGP |
Hiện Việt Nam mới chỉ có khoảng nửa triệu doanh nghiệp, tức bình quân gần 200 người dân mới có một doanh nghiệp, trong khi ở các nước phát triển thì cứ khoảng 15 đến 20 người dân có một doanh nghiệp.
“Phải phát động được phong trào quốc gia về khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp”, ông Đỗ Hoài Nam, một chuyên gia tư vấn và cũng là nhà đầu tư trong lĩnh vực khởi nghiệp (startup) đã khẳng định như vậy với phóng viên Báo điện tử Chính phủ khi nói về những nguyên nhân tại sao Việt Nam phải “làm” khởi nghiệp. Thực tế cho thấy, thúc đẩy khởi nghiệp vừa là yêu cầu của đời sống kinh tế-xã hội, vừa là lời giải cho hàng loạt vấn đề đang được đặt ra.
Tại Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Chính phủ đã đặt mục tiêu tới năm 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động. Cũng Nghị quyết này nhấn rất mạnh yêu cầu phải tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, với những giải pháp rất cụ thể được giao cho các bộ ngành. Tới ngày 18/5, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.
Bùng nổ động lực khởi nghiệp
Ông Đỗ Hoài Nam tỏ ra lạc quan với cơ hội Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp, với một nền kinh tế đang trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng và được dự báo sẽ tiếp tục có mức tăng trưởng cao thời gian tới.
Một lợi thế khác được ông Đỗ Hoài Nam nhắc tới là đội ngũ trí thức trẻ đầy sáng tạo và khát khao lập nghiệp của Việt Nam. Họ có sức trẻ, tài năng lại luôn năng động, đồng thời cũng có khả năng hấp thụ nhanh những kiến thức mới, những xu hướng mới… Đây chính là chìa khóa thành công để khởi nghiệp. Thực tế, mỗi năm nước ta cũng có thêm vài chục nghìn doanh nghiệp mới thành lập, với hàng nghìn ý tưởng sáng tạo manh nha để khởi nghiệp.
“Có thể nói, động lực khởi nghiệp đã bùng nổ không chỉ từ nhu cầu mưu sinh, kiếm sống mà còn từ khát khao hoàn thiện bản thân, cống hiến cho đất nước, tạo thêm công ăn việc làm cho xã hội... Những điểm này cho thấy, Việt Nam rõ ràng đang hội tụ rất nhiều vận hội để trở thành quốc gia khởi nghiệp thành công, đồng thời cũng là điểm đến không thể bỏ qua đối với các nhà đầu tư mạo hiểm”, ông Đỗ Hoài Nam bày tỏ.
Giải quyết bài toán thiếu việc làm
Kỳ vọng vào hoạt động khởi nghiệp, ông Đỗ Hoài Nam trước hết nhắc tới tình trạng thiếu việc làm đang có nguy cơ ngày một trầm trọng hơn khi mà khối kinh tế Nhà nước đang dần được thu hẹp theo chủ trương của Chính phủ, còn khối kinh tế tư nhân lại chưa phát triển mạnh.
Hiện gần 45% lực lượng lao động tại Việt Nam vẫn sống và làm việc trong khu vực nông nghiệp với năng suất chưa cao so với các khu vực khác, nhiều người vẫn thiếu việc làm. Tình trạng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp cũng cho thấy chúng ta thiếu rất nhiều việc làm ngay cả ở trình độ trung và cao cấp.
“Lời giải hữu hiệu cho bài toán này chính là phải phát triển được đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân bằng cách thổi bùng ngọn lửa tinh thần quốc gia khởi nghiệp; tập trung thúc đẩy người dân mở doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ những doanh nghiệp này phát triển trở thành những doanh nghiệp mạnh; từ đó, tạo thêm nhiều động lực phát triển chung cho cả nền kinh tế và tất nhiên cũng tạo thêm nhiều việc làm”, ông Đỗ Hoài Nam nói.
Khởi nguồn của sáng tạo
Nhưng không chỉ có vậy, là nòng cốt trong phong trào khởi nghiệp, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo – startup còn là động lực quan trọng thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội.
Ông Nam lý giải, khác với các doanh nghiệp khởi nghiệp “truyền thống”, doanh nghiệp startup thường là những doanh nghiệp ứng dụng hoặc sáng tạo khoa học – công nghệ ở mức độ cao, có mô hình kinh doanh tương đối mới và quan trọng nhất là có tiềm năng tăng trưởng rất nhanh.
Cũng vì vậy, sự phát triển của các doanh nghiệp startup sẽ là bước đột phá và làm nên sự thay đổi rất lớn trong xã hội, có thể tạo ra những cách tiêu dùng mới hoặc thị trường mới, đồng thời giúp tăng năng suất lao động và có thêm nhiều việc làm.
Thêm nữa, vì đặc điểm sử dụng công nghệ làm nguồn lực bứt phá, doanh nghiệp startup vì thế cũng tạo ra nền tảng quan trọng để phát triển khoa học – công nghệ cho đất nước. Vì vậy, có thể khẳng định, phát triển khởi nghiệp, trong đó tập trung vào khởi nghiệp sáng tạo – startup đã không phải một sự lựa chọn mà là tình thế bắt buộc đối với Việt Nam.
Theo Chinhphu.vn