Bộ Khoa học và Công nghệ, Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam vừa phối hợp tổ chức Hội thảo “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung khu vực miền Trung - Tây Nguyên”.
Với mục tiêu giảm tác hại gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, cải thiện điều kiện sống của người dân, giảm nhẹ mức độ suy thoái, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, phù hợp với chiến lược của Quỹ Môi trường toàn cầu về biến đổi khí hậu và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt nam” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1686/QĐ-TTg ngày 19-9-2014, giao Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai.
Tại Đà Nẵng, đến nay có 8 cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng không nung (gạch bê-tông, gạch xi-măng cốt liệu) với tổng công suất khoảng 150 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm; trong đó Công ty CP Đầu tư Hồng Hoàng Hồng tại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) có công suất lớn nhất với 60 triệu viên/năm, đáp ứng nhu cầu sử dụng loại vật liệu này cho các công trình xây dựng trên địa bàn.
Tại hội thảo, tham luận của các đại biểu nêu bật tầm quan trọng và sự cần thiết sử dụng gạch không nung trong xây dựng công trình; định hướng phát triển loại vật liệu xây dựng này; tình hình sản xuất, sử dụng gạch không nung ở Đà Nẵng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên… Một số tham luận cũng đề nghị Bộ Xây dựng cần ban hành các hướng dẫn kỹ thuật trong thiết kế và xây dựng của công trình sử dụng gạch không nung; mở các khóa đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác thiết kế, quản lý chất lượng công trình; đồng thời sớm hoàn chỉnh và ban hành các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho các dự án chế tạo máy móc, trang thiết bị sản xuất gạch không nung, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của hoạt động sản xuất gạch không nung trên phạm vi cả nước.
N.C