Với mong muốn tạo ra sự khác biệt, mới lạ cho du khách khi đến Đà Nẵng, nhiều bạn trẻ đã có những ý tưởng độc đáo, hình thành những điểm đến mới, thu hút người dân và du khách.
Dù còn mới mẻ nhưng các khu điểm sinh thái sẽ góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch của thành phố. Trong ảnh: Các bạn trẻ tham gia chèo xuồng tại “Chân trời góc bể”. Ảnh: Thu Hà |
Trong một lần tình cờ đến với nhà hàng sinh thái “Chân trời góc bể” cùng một người bạn, chị Phạm Thị Phong (trú phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) rất đỗi ngỡ ngàng bởi khung cảnh nơi đây đẹp quá. Theo chị Phong, điểm đến này nằm ở vị trí “đắc địa” hội tụ tất cả những ưu đãi mà thiên nhiên dành tặng cho Đà Nẵng, đó là trời cao, núi rộng, sông dài; ở đây còn có thể ngắm toàn cảnh cây cầu Thuận Phước hùng vĩ. Điều khiến chị ngạc nhiên nhất là giữa bộn bề thành phố lại có một chốn quê rất đỗi thanh bình, dân dã, rất phù hợp với các gia đình, nhóm bạn.
Quả thật, nằm khiêm tốn phía cuối đường Lê Văn Duyệt, dưới chân cầu Thuận Phước, nhà hàng sinh thái “Chân trời góc bể” của hai chàng trai Huỳnh Tấn Pháp và Lê Trung Thắng rộng khoảng 5.000m2 với các chòi lá được xây dựng hoàn toàn bằng tre, nứa chắc chắn, mái lợp bằng lá râm mát cùng không gian rộng rãi thoáng mát.
Theo anh Huỳnh Tấn Pháp, khi mới bắt đầu có ý tưởng, anh và bạn mình đã dành khá nhiều thời gian để tìm tòi, nghiên cứu, nhận thấy ngay gần trung tâm thành phố chưa có không gian nào vừa có núi non, đồng quê, sông biển nên muốn làm một khu sinh thái để phục vụ cho chính những người dân thành phố, đặc biệt là các gia đình và dân văn phòng muốn có một không gian rộng rãi để mọi người được vui chơi, hòa mình với thiên nhiên. Do đó, khi có được địa điểm nơi cuối sông, đầu biển này cái tên “Chân trời góc bể” đã được ra đời. Tại đây, các bạn trẻ có thể tham gia các trò chơi tập thể ở đồng cỏ rộng hoặc vui chơi dưới nước với các môn thể thao như chèo xuồng hay đạp xe.
“Được xây dựng trên ý tưởng tôn vinh những giá trị đồng quê, nên ngay chiếc cổng đi vào cũng được sáng tạo từ hình ảnh người mẹ đội nón, trên vai là đôi quang gánh quen thuộc, gần hơn là hình ảnh đống rơm gợi nhớ đến quê nhà, đồng ruộng… Chúng tôi muốn xây dựng một điểm đến sinh thái, nhiều màu xanh để đây thực sự là điểm đến thư giãn lý tưởng cho người dân thành phố”, anh Lê Trung Thắng chia sẻ.
Là công ty chuyên khai thác du lịch biển đảo, thời gian gần đây, Công ty TNHH MTV Nguyễn – Eco nhận thấy lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng ngày càng đông nhưng khách muốn tham gia trải nghiệm các hoạt động sinh thái, làng nghề thường phải di chuyển vào Hội An. Anh Dương Văn Nguyên, Phó Giám đốc công ty cho rằng, Đà Nẵng có nhiều yếu tố để thực sự trở thành điểm đến thu hút khách nước ngoài như có các làng nghề truyền thống như nghề đan Yến Nê, làm chiếu Cẩm Nê, đây còn là vùng đất giữ được nguyên nét quê sông nước, những nhà thờ tộc hàng trăm năm; vì vậy công ty hình thành “Điểm dừng chân du lịch sinh thái Nguyễn Eco” bên bờ sông Cẩm Lệ chuyên phục vụ khách quốc tế. Khách có thể đến đây bằng đường thủy hoặc đường bộ, được tận mắt chứng kiến quy trình làm nên một chiếc chiếu cói, hoặc trực tiếp tham gia hái rau, chuẩn bị cho bữa ăn của mình.
Theo anh Nguyên, hiện nay các tour du lịch truyền thống ở Đà Nẵng có nhiều nhưng những tour du lịch mang đậm chất quê, dân dã thì rất hạn chế nên công ty muốn hình thành nên những sản phẩm khác biệt hoàn toàn. Khách được tham gia vào các hoạt động thường ngày và cùng trải nghiệm với người dân. Vì vậy, trước mắt phải giữ và làm sống lại những làng nghề đang có, từ đó, cùng với sự hỗ trợ của huyện Hòa Vang, trong tương lai gần công ty muốn mở rộng, phát triển thêm những sản phẩm mỹ nghệ từ cói như túi, mũ, dép… để phục vụ du khách; xa hơn nữa sẽ hướng đến mô hình ở nhà dân (homestay) cho khách quốc tế tại Đà Nẵng.
Dù mới đi vào hoạt động nhưng những sản phẩm du lịch xanh, hướng tới từng đối tượng cụ thể như thế này rất cần cho một thành phố du lịch, góp phần làm đa dạng thêm các sản phẩm du lịch của thành phố trẻ.
Thu Hà