Kinh tế

Thu hút đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin

07:53, 25/07/2016 (GMT+7)

Cách đây hơn 10 năm, thị trường công nghệ thông tin (CNTT) tại Đà Nẵng chưa thực sự sôi động với doanh thu xuất khẩu phần mềm còn khiêm tốn. Cuộc “đổ bộ” của các nhà đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây đã đưa thành phố sông Hàn trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ CNTT của khu vực.

Nhiều doanh nghiệp FDI muốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin nhưng gặp khó khăn về mặt bằng sản xuất.         Ảnh: HOÀNG HÂN
Nhiều doanh nghiệp FDI muốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin nhưng gặp khó khăn về mặt bằng sản xuất. Ảnh: HOÀNG HÂN

Điểm đến tiềm năng

Là địa phương nhiều năm liền đứng đầu cả nước về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT (ICT Index), Đà Nẵng đã và đang giữ vững vị trí chiến lược trong sự lựa chọn của các nhà đầu tư, là nơi hội tụ của những dự án CNTT đầy tiềm năng. Dù “sinh sau đẻ muộn” so với một số địa phương hai đầu đất nước, nhưng Đà Nẵng được nhiều nhà đầu tư quyết định chọn làm địa điểm để mở chi nhánh hoặc công ty riêng.

Ông Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc Công ty TNHH Hệ thống nhúng Sioux Đà Nẵng nhận định, Đà Nẵng có môi trường sống thoải mái, có hạ tầng CNTT hiện đại, chất lượng dịch vụ tốt và chính quyền thành phố chân thành mời gọi nhà đầu tư. Có trụ sở chính tại Hà Lan, sau gần 4 năm mở chi nhánh tại Đà Nẵng, doanh thu xuất khẩu phần mềm của Sioux tăng bình quân từ 150-200%/năm với thị trường mở rộng ra các nước châu Âu, Mỹ và Singapore. “Dù chưa thực sự là thị trường sôi động so với thành phố Hồ Chí Minh nhưng Đà Nẵng là thị trường đang nổi đối với các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp (DN) tầm cỡ tìm đến đầu tư trong lĩnh vực CNTT. Không chỉ cạnh tranh về chi phí nhân công và giá thuê mặt bằng, Đà Nẵng còn tạo môi trường làm việc an toàn và môi trường sống thuận tiện cho các chuyên gia. Đây cũng là lý do để Sioux quyết định chọn Đà Nẵng làm địa điểm mở chi nhánh đầu tiên tại Việt Nam và cũng là chi nhánh tiềm năng tại khu vực châu Á trong tương lai”, ông Huy nói.

Lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư (TTXTĐT) Đà Nẵng cho hay, tình hình đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp CNTT, nhất là công nghiệp phần mềm và nội dung số đang duy trì mức tăng trưởng ổn định. Trong 6 tháng đầu năm nay, TTXTĐT đã hỗ trợ khoảng 40 DN Nhật Bản trong lĩnh vực CNTT đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Đà Nẵng. Ngoài ra, có không ít ông chủ của những tập đoàn lớn từ Mỹ, Singapore, Malaysia… trực tiếp đến khảo sát và đánh giá tốt môi trường đầu tư của thành phố sông Hàn. “Mặc dù lĩnh vực CNTT chỉ chiếm khoảng 3-4% tổng số vốn đầu tư FDI tại Đà Nẵng nhưng giá trị mà các dự án CNTT mang lại rất lớn. Ngoài các DN phần mềm và nội dung số, TTXTĐT còn tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược về xây dựng hạ tầng CNTT. Nhiều nhà đầu tư tìm đến Đà Nẵng không chỉ qua kênh xúc tiến của chính quyền thành phố mà còn qua sự dẫn dắt của các chuyên gia đang làm việc tại Đà Nẵng và của chính các DN đi trước”, ông Lê Cảnh Dương, Giám đốc TTXTĐT cho biết.

Theo ông Dương, để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực CNTT, ngoài việc tăng cường xúc tiến đầu tư, thành phố còn dành nhiều ưu đãi cho DN CNTT như: giảm giá thuê mặt bằng, miễn thuế, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực… Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống chính quyền điện tử hoàn thiện, nguồn nhân lực thông minh và cần cù... cũng đã giúp Đà Nẵng ghi thêm điểm trong mắt các nhà đầu tư tiềm năng.

Các doanh nghiệp phần mềm mong muốn thành phố sớm xây dựng các khu CNTT đạt chuẩn quốc tế để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng. 									            Ảnh: HOÀNG HÂN
Các doanh nghiệp phần mềm mong muốn thành phố sớm xây dựng các khu CNTT đạt chuẩn quốc tế để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng. Ảnh: HOÀNG HÂN

Chờ khu CNTT đạt chuẩn quốc tế

Hiện nay, nhiều DN FDI đến tìm hiểu đầu tư về lĩnh vực xuất khẩu phần mềm và nội dung số tại thành phố nhưng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm mặt bằng. Theo Sở Thông tin và Truyền thông, không gian ở Công viên phần mềm số 1 đã lấp đầy diện tích trong 3 năm nay nên thành phố nhiều lần “bỏ lỡ” cơ hội mời gọi các nhà đầu tư tiềm năng.

Trong khi đó, không ít DN muốn mở rộng sản xuất phải thuê mặt bằng ở các tòa nhà thương mại chịu nhiều rủi ro về hệ thống điện và đường truyền internet không bảo đảm, hệ thống phòng cháy chữa cháy không phù hợp với các thiết bị công nghệ… Thực tế, trong số hơn 200 DN CNTT đang hoạt động trên địa bàn thành phố, chỉ khoảng 20% DN có trụ sở khang trang với quy mô lao động lớn, còn lại 80% DN gặp khó khăn về nơi sản xuất. “Quyết định đầu tư vào Đà Nẵng của Axon Actice là đúng đắn bởi hiện rất nhiều chuyên gia CNTT chọn Đà Nẵng để làm việc, nguồn nhân lực chất lượng cao từ hai đầu đất nước cũng tìm về thành phố.

Trước đây, Axon Active thuê mặt bằng tại Công viên phần mềm số 1 nhưng khi mở rộng sản xuất, nguồn nhân lực tăng, chúng tôi buộc phải thuê mặt bằng ở ngoài với nhiều rủi ro hơn”, anh Đặng Ngọc Hải, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Axon Active Việt Nam tại Đà Nẵng chia sẻ.

Hiện dự án Công viên phần mềm số 2 đang xúc tiến tìm nhà đầu tư có năng lực. Trong khi đó, khu CNTT tập trung vẫn đang chờ ý kiến của HĐND thành phố về việc chuyển nhượng cổ phần cho các nhà đầu tư.

Theo các chuyên gia CNTT, việc chậm triển khai dự án khu CNTT tập trung, khu Công viên phần mềm số 2 sẽ tiếp tục kéo dài sự khó khăn của những nhà đầu tư trong vài năm tới. Theo Trung tâm Phát triển hạ tầng CNTT Đà Nẵng (IID), nhiều nhà đầu tư sau khi tìm hiểu và khảo sát tại Công viên phần mềm số 1 đã quyết định thuê ngay mặt bằng, thế nhưng IID không đáp ứng hết được. “Hiện các dự án đầu tư vào lĩnh vực CNTT tại thành phố vẫn còn ở mức nhỏ và siêu nhỏ. Để thu hút dự án lớn đến hàng triệu USD với nguồn nhân lực vài nghìn người thì thành phố cần nhanh chóng xây dựng các khu CNTT đạt chuẩn quốc tế, không chỉ là nơi làm việc cho các chuyên gia và người lao động mà còn có khu phức hợp sinh thái phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí”, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất.

Sự “đổ bộ” của các nhà đầu tư nước ngoài trong những năm qua đã đưa Đà Nẵng trở thành thị trường tiềm năng phát triển về CNTT trong tương lai. Tuy nhiên, các chuyên gia CNTT cho rằng, để tăng nhanh nguồn vốn đầu tư cho ngành “mũi nhọn” này, thành phố cần phải thu hút cho được những dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng CNTT.

HOÀNG HÂN

.