Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nước ta đối mặt thách thức nợ công cao, áp lực trả nợ lớn, trong khi đó việc sử dụng vốn đầu tư còn kém hiệu quả...
Báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2016, sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong số nhiều thách thức nền kinh tế nước ta đối mặt với thách thức về nợ công cao, áp lực trả nợ lớn, trong khi đó việc sử dụng vốn đầu tư còn kém hiệu quả và bội chi ngân sách cao.
Cụ thể, Thủ tướng cho biết, đến cuối năm 2015, nợ công của nước ta bằng 62,2% GDP; nợ Chính phủ 50,3% (vượt trần quy định là 50%); nợ nước ngoài của quốc gia 43,1%. Trường hợp tăng trưởng năm 2016 không đạt mục tiêu đề ra thì các tỷ lệ này sẽ còn cao hơn. Nghĩa vụ chi trả nợ lãi trực tiếp năm 2015 bằng khoảng 8,4% tổng thu NSNN (nếu tính cả trả nợ gốc thì bằng trên 26%). Chi trả nợ giai đoạn 2011-2015 gấp 1,86 lần giai đoạn 2006-2010. Dự báo chi trả nợ sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong các năm 2016, 2017 và 2018.
Việc sử dụng vốn đầu tư theo đánh giá của Thủ tướng là còn kém hiệu quả. Chỉ số ICOR bình quân giai đoạn 2011-2015 là 6,92, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Một số dự án sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thấp, lãng phí lớn.
Đồng thời nợ đọng xây dựng cơ bản lớn. Quản lý đầu tư, khai thác, thu phí tại nhiều dự án BOT còn bất hợp lý, thiếu công khai, minh bạch, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Quản lý sử dụng tài sản công, chi tiêu công còn lãng phí.
Đặc biệt, bội chi NSNN liên tục ở mức cao trong nhiều năm. Thu ngân sách khó khăn, nhất là ngân sách trung ương; nợ đọng thuế còn lớn. Triển khai kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016 chậm; giải ngân đạt thấp hơn cùng kỳ, trong đó vốn NSNN chỉ đạt 32,2% kế hoạch (cùng kỳ 2015 đạt 44,4%), vốn trái phiếu Chính phủ đạt khoảng 22% (cùng kỳ đạt 34%).
Cơ cấu chi NSNN theo đánh giá của Thủ tướng là cũng còn bất hợp lý; tỷ trọng chi đầu tư phát triển giảm từ 28% giai đoạn 2006-2010 xuống còn 23,4% giai đoạn 2011-2015; tỷ trọng chi thường xuyên tăng từ 55% lên 65%, chủ yếu do tăng chi cho con người và tiền lương.
Theo VOV