.

Trịnh Xuân Thanh 'thổi bay' gần 3.500 tỷ đồng của PVC thế nào?

.

Quá trình ông Trịnh Xuân Thanh “thổi bay” gần 3.500 tỷ đồng của Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) diễn ra khá chóng vánh và gây sốc.

Ông Trịnh Xuân Thanh
Ông Trịnh Xuân Thanh

Khi hàng loạt sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) được đưa ra ánh sáng, dư luận mới ngỡ ngàng khi biết quá trình ông Trịnh Xuân Thanh “thổi bay” gần 3.500 tỷ đồng của PVC diễn ra khá chóng vánh.

Cú sốc đầu tiên

Thời gian đầu, khi mới niêm yết tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội (nay là Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội), cổ phiếu PVX của Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam được đánh giá là “hàng nóng”, thu hút được sự chú ý của rất nhiều nhà đầu tư.

Cùng với KBC, KLS, cổ phiếu PVX được xem là một trong các mã ảnh hưởng lớn trên sàn Hà Nội. PVX có được vị thế này là nhờ Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam có vốn hóa lớn, quy mô lớn và hoạt động nhiều trong lĩnh vực được quan tâm nhất thời điểm đó là bất động sản.

Thế nhưng, Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam tạo ra cú sốc trên thị trường chứng khoán khi bất ngờ công bố khoản lỗ khủng lên tới 762 tỷ đồng. Đây là điều người bi quan nhất cũng không thể hình dung được dù trước đó, lợi nhuận quý 1/2012 đã sa sút.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2012 của PVC, lợi nhuận của PVC âm nặng chủ yếu là do doanh thu giảm trong khi giá vốn tăng. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay quá cao cũng góp phần không nhỏ khiến PVC có quý đầu tiên thua lỗ.

Cụ thể, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của PVC trong quý 2/2012 chỉ đạt  2.350 tỷ đồng, giảm 2.271 tỷ đồng, tương ứng 49% so với cùng kỳ năm 2011. Trong khi đó, chi phí lãi vay tăng vọt từ 165 tỷ đồng lên 240 tỷ đồng.

Giải thích cho cú sốc này, PVC cho biết: “6 tháng đầu năm 2012 cùng với sự khó khăn, khủng hoảng tài chính của nền kinh tế thế giới, tình hình kinh tế trong nước biến động làm ảnh hưởng đến giá cả nguyên vật liệu đầu vào làm tăng giá thành các công trình xây lắp của PVC, dẫn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị thành viên không đạt kế hoạch đề ra. Vì vậy, Tổng công ty PVC đã thực hiện trích lập một số khoản dự phòng để giảm rủi ro về tài chính.

Các thành viên của PVC có hoạt động kinh doanh bất động sản gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, huy động vốn để tiếp tục triển khai các dự án đầu tư dẫn đến việc kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý 2/2012 thấp”.

Cú sốc này khiến thị giá cổ phiếu PVC giảm khoảng 30% xuống vùng giá 8.000 đồng/CP.

Cú sốc liên tiếp

Mặc dù rất sốc trước kết quả kinh doanh quá tồi tệ này nhưng cổ đông của PVC vẫn kỳ vọng đây chỉ là trường hợp cá biệt. Với vị thế của mình, PVC được kỳ vọng sẽ nhanh chóng phục hồi để “trả nợ” cho cổ đông.

Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. Thay vì nhận trái ngọt, cổ đông PVC phải trải qua nhiều cú sốc liên tiếp. PVC đã công bố 10 quý lỗ liên tiếp với khoản lỗ theo quý có đơn vị hàng trăm tỷ đồng (trừ quý 3/2012). Trong đó, gây sốc nhất là quý 2/2013 – thời điểm ông Trịnh Xuân Thanh rời PVC.

Trong quý 2/2013, PVC đạt mức lỗ kỷ lục 1.500 tỷ đồng. Như vậy, trong giai đoạn ông Trịnh Xuân Thanhlà Chủ tịch Hội đồng quản trị, PVC lỗ gần 3.500 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lỗ hơn 4.000 tỷ đồng của PVC.

Nguyên nhân khiến PVC thua lỗ nặng trong quý 2/2012 được lặp lại trong quý 2/2013. Chỉ khác, mức độ ảnh hưởng lần này lớn hơn rất nhiều.

Trong kỳ, không chỉ đối mặt với lỗ khủng, PVC còn khiến cổ đông lo lắng khi tài sản sụt giảm. Cuối kỳ, tổng tài sản của PVC chỉ còn 17.486 tỷ đồng, giảm 1.468 tỷ đồng, tương ứng 7,74%. Trong khi đó, nợ vay vẫn là những con số cao ngất ngưởng.

Cụ thể, cuối quý 2/2013, nợ ngắn hạn của PVC là 1.589 tỷ đồng, nợ dài hạn đạt 1.523 tỷ đồng. Khoản nợ khủng này là nỗi ám ảnh trong các quý tiếp theo của PVC khiến hàng quý công ty phải trả hàng trăm tỷ đồng tiền lãi vay.

Kết quả là cổ phiếu PVX của PVC tuột dốc không phanh. Kể từ quý 3/2014, PVC đã tìm được lợi nhuận dương nhưng những khoản thua lỗ khủng do mà ông Trịnh Xuân Thanh “để lại” khiến cổ phiếu PVX không thể thoát khỏi vũng lầy và giao dịch ở mức rất thấp.

Chốt phiên 25/7, PVX dừng ở mức 2.100 đồng/CP. Như vậy, vốn hóa thị trường của PVC chỉ là 840 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu tính theo mệnh giá, giá trị của PVC phải là 4.000 tỷ đồng.

Theo VTC News

;
.
.
.
.
.