.

Đầu tư, nâng cấp Trạm cấp nước Sơn Trà

.

Biến đổi khí hậu, phát triển thủy điện và đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ… tác động đến vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước sinh hoạt cho thành phố. Từ đó, những dòng suối, khe nước ở Sơn Trà trở thành nguồn tài nguyên cần được giữ gìn, khai thác hợp lý.

Hồ Xanh ở bán đảo Sơn Trà có năng lực cung cấp từ 5.000 - 8.000m3 nước sinh hoạt ngày-đêm.
Hồ Xanh ở bán đảo Sơn Trà có năng lực cung cấp từ 5.000 - 8.000m3 nước sinh hoạt ngày-đêm.

Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho biết, Trạm Cấp nước Sơn Trà tại hồ Xanh chỉ có sản lượng 5.000m3/ngày-đêm, thế nhưng đây là một trong 4 địa điểm sản xuất nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho thành phố (Nhà máy nước Cầu Đỏ, Nhà máy nước Sân bay, Trạm Cấp nước Hải Vân).

Trạm Cấp nước Sơn Trà dù có công suất nhỏ nhưng là dòng nước quý trong những tình huống “ngặt nghèo” khi vừa bổ sung nguồn nước cấp, vừa gia tăng áp lực lên hệ thống truyền dẫn cuối nguồn.
Theo kỹ sư Bùi Thọ Ninh, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án cấp nước của Dawaco, nguồn nước của Đà Nẵng không dồi dào nhưng nhu cầu sử dụng cho sản xuất và sinh hoạt đang ngày càng tăng cao. Những dịp cao điểm, 4 nhà máy sản xuất nước đều hoạt động vượt công suất thiết kế. Trong 6 tháng đầu năm 2016, 4 nhà máy nước này đã cung cấp hơn 6 triệu m3 nước sinh hoạt cho toàn thành phố, tương đương 107,5% so với cùng kỳ năm 2015.

Những năm 1985-1986, khi Đà Nẵng trực thuộc tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng, nhu cầu sinh hoạt của người dân thành phố cũng đã cao. Thời điểm này, thành phố chỉ có năng lực cấp nước với công suất 30.000m3/ngày-đêm, trong đó Nhà máy nước Cầu Đỏ 20.000m3/ngày-đêm, Nhà máy nước Sân bay 10.000m3/ngày-đêm; tình trạng thiếu nước, cúp nước liên tục xảy ra đối với người dân.

Do đó, Công ty Cấp nước Quảng Nam - Đà Nẵng lúc bấy giờ đã phải tìm kiếm giải pháp đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cấp nước. Sau những chuyến hành trình lên núi Sơn Trà để nghiên cứu, khảo sát khai thác nguồn nước suối Đá, suối Tình…, năm 1986, Trạm Cấp nước Sơn Trà được đầu tư xây dựng và đến năm 1989, công trình hoàn thành với công suất 5.000m3/ngày-đêm.

Năm 1992, Trạm Cấp nước Sơn Trà 2 được đưa vào hoạt động, sử dụng công nghệ bể lọc áp lực tự rửa, một phương pháp hiệu quả, phù hợp ở thời điểm đó đã được Công ty Cấp nước Quảng Nam - Đà Nẵng áp dụng lần đầu tiên, với khả năng cung cấp tối đa gần 8.000m3/ngày vào mùa mưa và thấp nhất khoảng 3.000m3/ngày vào mùa khô.

Trong suốt gần 28 năm hoạt động, vận hành, Trạm Cấp nước Sơn Trà đã xuống cấp và cần được đầu tư nâng cấp. Qua khảo sát của Dawaco, khu vực phục vụ của Trạm Cấp nước Sơn Trà có nhiều tuyến ống, công trình xử lý, thiết bị dần xuống cấp, không đủ khả năng đáp ứng vận hành hiệu quả nhất, ảnh hưởng đến chất lượng nước.

Do đó, Dawaco xác định cần phải cải tạo lại Trạm Cấp nước Sơn Trà để tiếp tục khai thác nguồn nước tự nhiên. Theo đó, Dawaco vừa triển khai hạng mục công trình “Cải tạo Trạm Cấp nước Sơn Trà 1, Trạm Cấp nước Sơn Trà 2 và tuyến ống gang D300 từ trạm cấp nước Sơn Trà 1 ra khu dân cư đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc”. Mục tiêu đảm bảo nguồn cung cấp nước có công suất từ 5.000 - 8.000m3/ngày-đêm để giữ áp lực nước hòa cùng nguồn được cung cấp từ Nhà máy nước Cầu Đỏ nhằm bổ sung nguồn nước vừa thiếu, vừa yếu cho hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn.

Bài và ảnh: Triệu Tùng

;
.
.
.
.
.