.

Đến năm 2020, vốn đầu tư khu vực tư nhân chiếm khoảng 75%

.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ vừa ký Quyết định số 4993/QĐ-UBND ban hành Chương trình hành động của UBND thành phố thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020.

Theo đó, đến năm 2020, thành phố Đà Nẵng phấn đấu có trên 22.000 DN, đưa khu vực tư nhân đóng góp khoảng 60% GDP, vốn đầu tư phát triển khu vực tư nhân chiếm khoảng 75% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Để đạt mục tiêu trên, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Giám đốc các sở, thủ trưởng cơ quan, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện và cơ quan, đơn vị liên quan chủ động quán triệt sâu sắc, tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ, phát triển DN đến năm 2020 và các chính sách về phát triển DN, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố.

Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu thành phố tổ chức đối thoại với cộng đồng DN trong nước định kỳ 1 lần/năm; giao Trung tâm Xúc tiến đầu tư tham mưu thành phố tổ chức đối thoại với cộng đồng DN có vốn đầu tư nước ngoài công khai 1 lần/năm. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ban, ngành, quận, huyện, các hiệp hội DN… đánh giá tình hình thực hiện và hiệu quả của các chính sách hỗ trợ DN; đề xuất thành phố xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và DN; phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá kết quả thực hiện chương trình “Phát triển khởi nghiệp Đà Nẵng 2016” để tham mưu thành phố xây dựng đề án “Chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”…

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước khi ban hành và thực thi chính sách phải bảo đảm xác định rõ mỗi nhiệm vụ có một đầu mối và người chịu trách nhiệm. Quán triệt cán bộ, công chức về đạo đức công vụ, cải cách hành chính; chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu; tinh thần chính quyền phục vụ và hỗ trợ DN.

Công khai quy trình và cán bộ có trách nhiệm xử lý hồ sơ, tăng cường thanh tra công vụ; kiên quyết xử lý các cán bộ vi phạm quy trình xử lý hồ sơ, gây phiền hà cho DN. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về các vi phạm của công chức, viên chức trong phạm vi quản lý.

Việc thanh tra, kiểm tra DN phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự.

DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.