Ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 31 tỷ USD trong năm nay nhưng có thể phải giảm xuống còn 29 tỷ USD cũng khó có thể đạt được
Nhiều doanh nghiệp đang thiếu hụt đơn hàng nghiêm trọng. |
Là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực, nhưng dệt may Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn khi tổng kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến nay mới đạt khoảng 13 tỷ USD, tăng khoảng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng trong 10 năm trở lại đây.
Nhiều doanh nghiệp đang thiếu hụt đơn hàng nghiêm trọng và phải cạnh tranh khốc liệt. Mục tiêu xuất khẩu đạt 31 tỷ USD trong năm nay có thể phải giảm xuống còn 29 tỷ USD. Ngay cả con số này cũng khó đạt được nếu không có những giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn và nâng cao sức cạnh tranh dệt may Việt Nam.
Từ nhiều tháng nay, đơn hàng dệt may giảm sút nghiêm trọng. Đại diện nhiều doanh nghiệp dệt may cho biết, lượng đơn hàng chỉ đạt bằng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá xuất khẩu cũng giảm từ 10% - 20%.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, 30-40% doanh nghiệp chưa đủ hàng cho cuối năm. Một trong những khó khăn của ngành dệt may bắt nguồn từ chính sách giữ tỷ giá của Việt Nam ổn định, trong khi các đồng tiền khác ở những thị trường nhập khẩu chính đã điều chỉnh rất mạnh, khiến giá hàng dệt may trở nên đắt đỏ. Ngoài ra, lãi vay ngân hàng quá cao, ở mức 8% - 10%/năm, gấp từ 2 đến 4 lần so với nhiều nước. Những yếu tố này khiến hàng dệt may Việt Nam đắt hơn các nước đối thủ cạnh tranh từ 20% - 30%.
Việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng lên mức 7,3% tới đây càng khiến doanh nghiệp dệt may thêm khó khăn. Bởi lương, bảo hiểm hiện chiếm đến 72% đơn giá gia công. Khi lương tối thiểu tăng lên, kéo theo bảo hiểm, phí công đoàn tăng sẽ làm giá thành bị đẩy lên theo.
Theo ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần May Sông Hồng, những chi phí này khiến doanh nghiệp mất trung bình 50-60 tỷ đồng mỗi năm, trong khi lãi của doanh nghiệp chỉ khoảng 5-6% không bù đắp nổi.
“Tôi tính một năm lãi khoảng 200 tỷ đồng nhưng chi phí tính ra mỗi năm mất khoảng 285 tỷ đồng. Nếu năm 2018 hiệp định TPP mở toang nhưng chính sách eo hẹp thì doanh nghiệp không làm được, chỉ đứng đó nuối tiếc mãi mãi mà thôi. Hiện nay doanh thu, lợi nhuận giảm, đơn hàng không đủ, doanh nghiệp nhận lung tung, có gì nhận đó. Theo dự báo sang năm chưa sáng sủa”, ông Thịnh cho biết.
Hiện, lợi thế nhân công giá rẻ trong ngành dệt may Việt Nam đang mất dần do chi phí lương ngày càng tăng, giá xuất khẩu cũng khó có thể giảm, khiến doanh nghiệp trong nước suy giảm sức cạnh tranh so với các đối thủ trong khu vực. Không ít khách hàng đã chuyển bớt đơn hàng sang Campuchia, Myanmar và Lào bởi các nước này có ưu đãi về thuế xuất hàng đi châu Âu và Mỹ.
Hiệp định TPP và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU được kỳ vọng thúc đẩy xuất khẩu dệt may sang các thị trường lớn này khi được hưởng thuế về 0%, thay vì 10-17% như hiện nay. Tuy nhiên, theo lộ trình, đến năm 2018 các doanh nghiệp Việt Nam mới được hưởng ưu đãi này.
Trong khi đó, nhiều nước tại châu Á đã nhanh chóng có động thái thu hút đơn hàng. Chẳng hạn như Trung Quốc giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội từ 22% xuống còn 18% để giảm giá thành sản phẩm; Bangladesh, Pakistan, Indonesia, Campuchia…điều chỉnh tỷ giá, giảm thuế nhập khẩu để hỗ trợ xuất khẩu.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 lo ngại: “Hiệp định TPP chưa thấy đâu nhưng đã thấy cạnh tranh với các nước không có TPP như Campuchia, Bangladesh, Trung Quốc… lập tức điều chỉnh lương tối thiểu, bảo hiểm giảm, hỗ trợ thuế VAT, hỗ trợ xuất khẩu cho doanh nghiệp. Chưa được hưởng ưu đãi TPP thì các quốc gia đã giương “móng vuốt” để chiến đấu, nên đơn hàng chyển nhanh. Trước tình hình khó khăn này, doanh nghiệp buộc phải tiết kiệm, tăng năng suất lao động, tự cứu trước khi trông chờ hỗ trợ từ Chính phủ, nếu không chỉ có con đường đóng cửa nhà máy.”
Để tháo gỡ khó khăn và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp dệt may trong bối cảnh này, Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết đã gửi nhiều kiến nghị đến Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan về sửa đổi các quy định, nghị định, thông tư, một số thủ tục hành chính - kiểm tra chuyên ngành thủ tục phức tạp, rườm rà đang gây khó cho doanh nghiệp.
Đồng thời, đề xuất Chính phủ về việc thống nhất quy hoạch và cấp phép các khu công nghiệp dệt may lớn từ 500 – 1.000ha, để kêu gọi và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất sợi, vải, nhuộm hoàn tất. Tránh tình trạng các địa phương tự quy hoạch, cấp phép gây chồng chéo.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trước mắt, các doanh nghiệp mong đợi những động thái hỗ trợ kịp thời và cụ thể, để doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, thu hút đơn hàng, gia tăng xuất khẩu.
“Việc cần thiết nhất bây giờ là tỷ giá, kiến nghị điều chỉnh tỷ giá. Cắt giảm chi phí không cần thiết. Hiện phí cầu đường Hà Nội đi Hải Phòng tăng lên quá mức làm doanh nghiệp cõng thêm chi phí. Về kiểm tra chuyên ngành, các doanh nghiệp kiến nghị kiểm tra tối đa 1 lần trong 1 năm. Doanh nghiệp cũng đang cố gắng đẩy năng suất, tăng thời gian làm việc để giữ được mức lương cho người lao động”, ông Dương cho biết.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng, các doanh nghiệp dệt may cũng cần chủ động tìm kiếm thị trường mới, thị trường ngách để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đồng thời cần có đột phá trong việc tăng năng suất và đảm bảo quy tắc xuất xứ phù hợp quy định của Hiệp định TPP và FTA Việt Nam - EU.
Chuyển dần từ gia công sang tự chủ nguyên phụ liệu, tự thiết kế, sản xuất để gia tăng giá trị và khẳng định thương hiệu dệt may Việt Nam. Đây được xem là hướng đi có tính chiến lược cho sự phát triển của toàn ngành dệt may, nhưng để đạt được, vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Theo VOV