.

Điện lực Đà Nẵng: Đầu tư công nghệ mới hiệu quả

.

Thực hiện chủ trương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc từng bước hiện đại hóa hệ thống hạ tầng phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (ĐLĐN) đã đầu tư nhiều công nghệ mới, đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng phục vụ được khách hàng hoan nghênh.

Thay sứ cách điện trên đường dây đang mang điện tại Khu công nghiệp Hòa Khánh.
Thay sứ cách điện trên đường dây đang mang điện tại Khu công nghiệp Hòa Khánh.

Trước hết, việc sửa chữa nóng (hotline) trên lưới điện trung thế ở các khu công nghiệp và một số tuyến đường chính được khách hàng rất ủng hộ, bởi việc sửa chữa nóng không cắt điện trên đường dây đã không ảnh hưởng mất điện đối với các thuê bao mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng. Năm 2015, ĐLĐN thành lập Đội sửa chữa nóng lưới điện gồm 12 thành viên. Các thành viên được học, huấn luyện và thi sát hạch, cấp chứng chỉ tạo cơ sở vững chắc cho việc chính thức triển khai công tác trên lưới điện.

Đội có nhiệm vụ chính là vệ sinh cách điện bằng nước áp lực cao và sửa chữa nóng trên lưới đang mang điện. Ngoài việc không cắt điện trong quá trình làm vệ sinh, thời gian sửa chữa, làm vệ sinh được rút ngắn so với trước đây. Với hiệu quả bước đầu đó, ngày 30-6-2016, ĐLĐN chính thức triển khai công tác sửa chữa nóng lưới điện. Đây cũng là đơn vị đầu tiên trong Tổng Công ty Điện lực miền Trung áp dụng công nghệ này vào sản xuất.

Công tác sửa chữa nóng trên lưới đang mang điện sẽ góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm thời gian mất điện khi bảo trì, bảo dưỡng, xây dựng mới lưới điện; ngăn ngừa và loại trừ nhanh chóng các nguy cơ sự cố trên lưới điện... góp phần nâng cao hình ảnh của ngành điện nói chung và ĐLĐN nói riêng đối với khách hàng sử dụng điện.

Hiện nay, toàn bộ hệ thống trung thế và điện sinh hoạt cho các thuê bao ở các khu vực không phải cắt điện khi ĐLĐN làm vệ sinh sứ hoặc thay các thiết bị khác. Đây là một bước tiến mới về công nghệ trong quá trình sửa chữa, thay thế thiết bị của ĐLĐN, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

Cùng với việc đưa công nghệ sửa chữa nóng vào sản xuất, ĐLĐN đã tiến hành đầu tư công nghệ xây dựng các trạm biến áp (TBA) không người trực vào vận hành cũng đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng và nâng cao độ an toàn trong sử dụng điện. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là nhanh chóng triển khai cải tạo, xây dựng, hiện đại hóa các TBA 110kV theo mô hình TBA không người trực. Song song với việc xây dựng Trung tâm điều khiển để thực hiện từ xa các TBA này, ĐLĐN hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng và độ tin cậy cung cấp điện, tăng năng suất lao động.

Để cải tạo và chuyển các TBA 110kV hiện có sang mô hình trạm không người trực, ĐLĐN đã tiến hành cải tạo, nâng cấp các thiết bị rơ-le, đồng hồ đo lường đa chức năng… bảo đảm đáp ứng kết nối theo tiêu chuẩn IEC 61850 và xây dựng hệ thống điều khiển máy tính tại trạm. Đồng thời bổ sung các hệ thống phụ trợ như hệ thống camera giám sát, hệ thống báo cháy, hệ thống kiểm soát vào ra... và  thiết bị I/O để kết nối các tín hiệu từ các hệ thống này. Bên cạnh đó, công ty đã tiến hành xây dựng hệ thống thông tin kết nối và truyền dữ liệu về Trung tâm điều khiển, tạo thuận lợi cho công tác điều độ điện an toàn, chính xác.

Trong năm 2016, ĐLĐN đã tập trung xây dựng và đưa vào hoạt động một số TBA không người trực như TBA 110kV Hòa Liên tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng và TBA 110kV Xuân Hà, quận Thanh Khê. Đối với trạm biến áp 110kV Hòa Liên, ĐLĐN đã đầu tư xây dựng mới trạm biến áp hiện đại theo hướng TBA được điều khiển bằng máy tính. Hệ thống điều khiển bảo vệ tại trạm được kết nối với hệ thống điều khiển máy tính qua giao thức IEC 61850.

Các tín hiệu này sau đó được chuyển qua giao thức IEC 60870-5-101/104 để truyền thông tin về Trung tâm điều khiển tại phòng Điều độ. Nếu trước đây, nhân viên vận hành tại các TBA 110kV nhận và thực hiện lệnh điều độ từ Điều độ viên lưới điện miền Trung và Điều độ viên lưới điện phân phối Đà Nẵng, thì nay công tác này sẽ được tập trung về một đầu mối là Trung tâm điều khiển. Thời gian thao tác thiết bị nhờ đó sẽ được giảm thiểu, góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện của lưới điện phân phối. Dự kiến đến hết năm 2018, 100% các TBA 110kV do ĐLĐN quản lý sẽ là những TBA không người trực.

Bài và ảnh: Đức Thịnh

;
.
.
.
.
.