* Chưa di dời Trung tâm Hành chính thành phố
Sáng 11-8, kỳ họp thứ hai HĐND thành phố khóa IX tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, tập trung vào các nhóm vấn đề: thu hút đầu tư, quản lý rừng, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), dạy bơi cho học sinh tiểu học...
Đại biểu Võ Công Chánh chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: ĐẶNG NỞ |
Tìm cơ chế thu hút đầu tư cạnh tranh hơn
Trả lời chất vấn của các đại biểu (ĐB) Lê Vinh Quang, Nguyễn Thị Thúy Mai về nguyên nhân thu hút đầu tư, đặc biệt là FDI sụt giảm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Văn Sơn thừa nhận thu hút đầu tư FDI trong 6 tháng đầu năm 2016 của Đà Nẵng thuộc nhóm thấp nhất nước. Tuy nhiên, thu hút đầu tư trong nước đạt kết quả khá tốt, tăng 46%. Nguyên nhân sụt giảm thu hút đầu tư là do Đà Nẵng chưa có khu kinh tế như các địa phương khác mà trong đó có những chính sách ưu đãi hấp dẫn.
Giá thuê đất ở Đà Nẵng cao hơn so với địa phương lân cận, nguồn lực địa phương phân tán, chi phí nhân công cao. Mặt khác, thu hút đầu tư của Đà Nẵng có chọn lọc, không chấp nhận những dự án có tác động lớn đến môi trường. Ông Sơn nêu ra một loạt giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, như: tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển các ngành kinh tế mới, ngành công nghiệp phụ trợ, nâng cao năng lực của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư (XTĐT) Lê Cảnh Dương giải trình thêm: Thu hút đầu tư vào thành phố giảm sút từ năm 2010, có nhiều nguyên nhân nhưng lớn nhất vẫn là cơ chế, chính sách chưa thực sự cạnh tranh. Bổ sung giải pháp, ông Dương cho rằng cần đề nghị Trung ương cho Đà Nẵng tự xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, hấp dẫn để thu hút đầu tư. Thành phố phải đổi mới về tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của Trung tâm XTĐT. Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm đối với nhà đầu tư hiện tại đang làm ăn trên địa bàn thành phố.
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh khẳng định: Đà Nẵng không thu hút đầu tư bằng mọi giá mà luôn có sự lựa chọn những ngành công nghệ thông tin, công nghệ cao thân thiện với môi trường. Nói vậy không phải để bao biện cho những hạn chế. Thành phố đã có đề án đổi mới về thu hút đầu tư với nhiều việc phải làm, trong đó có việc nâng cấp Trung tâm XTĐT lên một vai trò mới và hy vọng sẽ có cải thiện trong thu hút đầu tư từ năm 2017.
Đại biểu Đoàn Xuân Hiếu phát biểu chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: ĐẶNG NỞ |
“Ai đến phá rừng Đà Nẵng cũng phải xử lý”
Trả lời chất vấn của ĐB Trần Thắng Lợi về nguyên nhân các vụ xâm hại rừng liên tiếp xảy ra ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Phú Ban cho biết một trong những nguyên nhân là do sự hấp dẫn về phát triển dịch vụ du lịch từ rừng. Chỉ riêng núi Sơn Trà có đến 26 dự án phát triển du lịch. Xâm hại rừng từ việc giao đất để bảo vệ rừng, trồng rừng cũng tương đối phức tạp vì quan hệ của cán bộ kiểm lâm có người thân được giao khoán bảo vệ rừng. Vụ xâm hại rừng Sơn Trà đã được thanh tra và sẽ chuyển sang cơ quan điều tra làm rõ. Ông Ban yêu cầu các địa phương đã được phân cấp quản lý rừng phải chịu trách nhiệm bảo vệ rừng và đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư khi cấp phép dịch vụ du lịch trên đất rừng cần báo cho Sở NN&PTNT được biết, đồng thời rà soát hạn chế cấp phép kinh doanh chế biến gỗ, cấp phép khai thác khoáng sản cũng như tránh phá rừng để khai thác.
Về câu hỏi có hay không một kiểm lâm viên đã bị kỷ luật ở Hạt Kiểm lâm Sơn Trà-Ngũ Hành Sơn lại được chuyển công tác về Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu, ông Ban khất sẽ kiểm tra và trả lời bằng văn bản. Ông Ban đề nghị HĐND thành phố cùng giám sát việc trồng rừng thay thế. Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh yêu cầu xử lý nghiêm trách nhiệm những cá nhân, tổ chức có liên quan đến phá rừng, xử lý đến nơi đến chốn dù người đó là ai. “Quan điểm là ai đến đây chặt phá rừng Đà Nẵng cũng phải xử lý. Chặt một cây phải trả giá. Anh Ban không giữ được rừng cũng phải trả giá”, ông Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh.
Không tiếc tiền kiểm soát chất lượng thực phẩm
Trả lời chất vấn của các ĐB về các giải pháp bảo đảm ATVSTP, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng cho biết UBND thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai kết luận của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo đảm ATVSTP, xây dựng chiến lược bảo đảm ATVSTP của thành phố từ nay đến năm 2020, xây dựng các đề án kiểm soát thực phẩm từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng. Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ rau xanh của thành phố trong một ngày từ 50-70 tấn nhưng cung cấp tại chỗ của thành phố chỉ bằng 1/5, đa phần là nhập từ bên ngoài vào. Thành phố hiện có 14ha rau sạch nhưng chỉ có 5ha được cấp chứng nhận đủ tiêu chuẩn VietGAP. Đây là tình trạng thiếu đất để sản xuất rau sạch. Do vậy, huyện Hòa Vang và Sở NN&PTNT cần tạo điều kiện hỗ trợ nông dân sản xuất rau sạch.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng cũng cho biết thực phẩm gia súc, gia cầm cung cấp cho thành phố chủ yếu nhập từ bên ngoài vào nên cần coi trọng khâu kiểm soát đầu vào. UBND thành phố đã chỉ đạo ngành thủy sản phải thực hiện số ngày khai thác hải sản xa bờ bảo đảm ATVSTP và tổ chức lấy mẫu kiểm tra. Sở Công thương cũng được giao làm đề án kiểm soát thực phẩm tại các siêu thị, chợ, nhà hàng, xây dựng tiêu chuẩn và đã tiến hành công bố hơn 100 nhà hàng đạt chuẩn về ATVSTP. Ngành Y tế là thành viên thường trực của Ban Chỉ đạo cũng đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt bảo đảm ATVSTP. Hiện thành phố đã lập tổ kiểm tra ATVSTP tiến hành kiểm tra hằng tuần với phương châm là kiểm tra hết tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và đã có cơ sở bị phạt hành chính đến 85 triệu đồng.
Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng khẳng định, với những biện pháp đang triển khai về bảo đảm ATVSTP, đến cuối năm nay bảo đảm thực phẩm tiêu thụ trong thành phố là thực phẩm sạch. Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh yêu cầu: “UBND thành phố chỉ đạo cho Sở Tài chính tiếp tục đầu tư thêm tiền cho Ban chỉ đạo ATVSTP hoạt động, trang bị thêm máy móc và phương tiện. Đà Nẵng không nhiều tiền nhưng đầu tư cho việc kiểm soát chất lượng ATVSTP thì không tiếc... Bằng mọi giá phải bảo đảm cho người dân và du khách yên tâm khi ăn uống”.
Chưa di dời Trung tâm Hành chính thành phố
Trước chất vấn của ĐB về việc xem xét di dời Trung tâm Hành chính (TTHC) thành phố sang vị trí mới vì nơi đây tồn tại nhiều bất cập như gây ùn tắc giao thông, hệ thống thông gió không hợp lý làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cán bộ, công chức…, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng cho biết, việc di dời là việc hệ trọng vì TTHC thành phố đã trở thành biểu tượng, cần phải lấy ý kiến của người dân để nghiên cứu, xem xét các phương án. “Kể từ khi đưa vào vận hành trong 2 năm vừa qua, Trung tâm Hành chính thành phố đã phát huy hiệu quả trong việc tiết kiệm nhiều thời gian, công sức, tiền bạc cho cả người dân, doanh nghiệp lẫn cán bộ, công chức, góp phần quan trọng vào thành tích 3 năm liền dẫn đầu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố. Với những nhược điểm tồn tại, thời gian vừa qua thành phố đã chỉ đạo Ban quản lý tòa nhà kiểm tra, khắc phục”, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng cho biết thêm.
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh, thực hiện việc này phải chuẩn bị kỹ, đánh giá tính cấp thiết của việc di dời: “Chỉ có đánh giá tốt hơn mới di dời, nếu không hiệu quả thì không nên làm. Tôi khẳng định vấn đề này lãnh đạo thành phố có đặt ra, tuy nhiên các cơ quan chức năng đang xem xét, đánh giá, khi nào làm cụ thể sẽ xin ý kiến, báo cáo HĐND thành phố”.
S.TRUNG - Q.KHẢI
Ngăn chặn, kiểm soát thông tin sai sự thật trên Internet Trả lời chất vấn của ĐB Lê Thanh Hải về giải pháp ngăn chặn những thông tin sai sự thật trên Internet, mạng xã hội, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Quang Thanh khẳng định quản lý Nhà nước về vấn đề này là hết sức cấp bách. Sở TT&TT đã tham mưu UBND thành phố thành lập Tổ công tác báo chí nhằm cung cấp thông tin chính thống định hướng dư luận về các sự kiện liên quan đến thành phố, đồng thời phản bác những thông tin sai trái, thiếu chính xác. Bên cạnh đó, sở còn thực hiện các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn, kiểm soát những thông tin sai trái trên Internet. Từ năm 2011 đến nay, Sở đã xử lý 30 trang tin điện tử, 1 tài khoản mạng xã hội facebook vi phạm các quy định quản lý Nhà nước, đồng thời sử dụng dịch vụ công qua mạng Internet để tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân. 100% học sinh học xong tiểu học đều biết bơi Trả lời chất vấn của ĐB Lê Thị Thanh Minh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Đình Vĩnh cho biết mục tiêu của ngành GD&ĐT thành phố là mỗi học sinh tiểu học phải đạt yêu cầu là bơi được ít nhất 25m và nổi ít nhất 30 giây trên mặt nước. Tuy nhiên, hiện nay các trường tiểu học trên toàn thành phố chỉ có 17 hồ bơi thì không thể thực hiện được mục tiêu này. Vì vậy, Sở đã liên hệ với các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có hồ bơi đề nghị cho học sinh tiểu học vào học bơi. Theo đó, nhiều khách sạn, doanh nghiệp, đơn vị quân đội đã mở cửa cho các em học sinh vào học bơi. Sở GD&ĐT cũng đã kêu gọi được nhà đầu tư làm 6 bể bơi di động, 3 doanh nghiệp đầu tư xây dựng bể bơi kiên cố ở các quận, huyện. Các em học sinh sẽ học bơi trong thời gian cả năm (trừ những ngày thời tiết lạnh) chứ không chỉ học vào mùa hè như trước. Xem xét việc xây dựng Trung tâm Văn hóa thành phố Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Nho Khiêm và ĐB Lê Thị Như Hồng về việc xây dựng Trung tâm Văn hóa thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng cho biết: “Trước đây, khi chuẩn bị việc thực hiện di dời, thành phố đã xem xét, nghiên cứu triển khai di dời, quy hoạch Trung tâm về phía nam cầu Thuận Phước. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, cho đến nay vẫn chưa có kế hoạch triển khai, dự kiến trong năm nay sẽ bắt tay vào tiến hành xem xét”. Chuẩn bị chu đáo cho Tuần lễ cấp cao APEC 2017 Đối với câu hỏi của ĐB Đoàn Xuân Hiếu liên quan đến công tác chuẩn bị cho Tuần lễ cấp cao APEC 2017, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng cho biết, Chính phủ và UBND thành phố đã có kế hoạch chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm. Chính phủ đồng ý đầu tư 400 tỷ đồng để cải tạo Cung Thể thao Tiên Sơn, Trung tâm Hội chợ - Triển lãm thành phố, nâng cấp hạ tầng giao thông. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đồng hành với thành phố để phục vụ ăn ở cho các đoàn đại biểu. Thành phố cũng có chủ trương triển khai nhiều hoạt động phụ trợ để quảng bá. “Sở Ngoại vụ đề nghị lấy hình linh vật voọc chà vá chân nâu làm quà lưu niệm cho các đại biểu tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2017, đây được xem là một ý tưởng hay”, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng thông tin thêm. Xây dựng đường gom dân sinh từ ngã ba Huế đến cầu vượt Hòa Cầm vào tháng 8 Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng, trong năm nay, thành phố sẽ tập trung triển khai dự án đường gom dân sinh dọc đường sắt từ ngã ba Huế đến cầu vượt Hòa Cầm. Thành phố chịu trách nhiệm khâu giải phóng mặt bằng, Bộ Giao thông vận tải phụ trách khâu xây lắp. Hiện Bộ đang làm hồ sơ thầu, dự kiến tháng 8 sẽ khởi công. Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng đề nghị UBND quận Cẩm Lệ phối hợp với Ban quản lý dự án tập trung rà soát để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án vì đây là tuyến đường quan trọng nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng mất an toàn giao thông khu vực này. S.T- Q.K |