Về kinh tế thế giới, tờ Le Monde có bài tổng quan "Trật tự thế giới mới trong lĩnh vực công nghiệp" với nhận định "sản xuất công nghiệp suy giảm tại Mỹ và Nhật Bản, và chững lại tại châu Âu."
Ảnh minh họa. (Nguồn: Cochawaii.org) |
Trong khi đó, ở một số nền kinh tế mới nổi lên như Indonesia, sản xuất công nghiệp tăng tới 7,5% và tại Việt Nam và Malaysia, con số tương ứng là 7% và 5%.
Theo một báo cáo tổng kết được công bố mới đây, sau giai đoạn khủng hoảng 2008-2009, sản xuất công nghiệp toàn cầu đã bật mạnh trở lại, tăng đến 10%/năm, nhưng giai đoạn này đang chậm lại.
Kể từ nhiều tháng nay, sản lượng công nghiệp chỉ còn tăng khoảng 1,5-2%/năm. Mức độ tăng trong lĩnh vực công nghiệp thấp hơn so với tăng trưởng nói chung cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang hướng về dịch vụ hơn là về công nghiệp.
Điều đáng chú ý là tăng trưởng công nghiệp tiếp tục mạnh tại nhiều quốc gia đang nổi lên. Ngay Trung Quốc, nơi đà tăng trưởng được coi là chững lại, sản lượng công nghiệp vẫn tiếp tục tăng 6% vào tháng Bảy so với cùng kỳ năm ngoái.
Bài viết của Le Monde nêu một dự án xây dựng một nhà máy sản xuất xe ôtô điện tại tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc, với khoảng 400.000 xe xuất xưởng/năm, như một ví dụ cho thấy đà gia tăng công nghiệp của khối các nền kinh tế mới nổi.
Theo Le Monde, rõ ràng đang có một sự sắp xếp lại trong ngành công nghiệp thế giới. Một số nước đang nổi lên như công xưởng mới của thế giới, như Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Philippines, Malaysia, Việt Nam, và một số quốc gia Trung và Đông Âu, nơi giá thành sản xuất thấp.
Sản lượng công nghiệp tăng đến 40% tại Slovakia, khoảng 30% tại Romania, hơn 20% tại Ba Lan, Séc hay các nước vùng Bantic./.
Theo Vietnam+