Kinh tế

Thử thách trên đường khởi nghiệp

08:00, 09/08/2016 (GMT+7)

Khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp bắt đầu từ ý tưởng, khát vọng làm giàu, nhưng để thành công, phải có sự đầu tư bài bản và chuyên nghiệp, từ quản trị doanh nghiệp, quản lý nguồn lực đến tìm đối tác kinh doanh. Điều này cho thấy, con đường khởi nghiệp có rất nhiều chông gai, thử thách.

Các kỹ sư trẻ đang khởi nghiệp tại Công ty TNHH một thành viên phát triển Công nghệ thông tin Enouvo. Ảnh: ĐỨC THỊNH
Các kỹ sư trẻ đang khởi nghiệp tại Công ty TNHH một thành viên phát triển Công nghệ thông tin Enouvo. Ảnh: ĐỨC THỊNH

Chương trình khởi nghiệp chính thức được khởi động với việc hình thành Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng từ cuối năm 2015; tiếp theo là việc ra đời Vườn ươm doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng (ngày 14-1-2016) có vốn điều lệ 30 tỷ đồng với chức năng thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, sáng tạo trong cộng đồng sinh viên của các trường đại học, cao đẳng, trường nghề trên địa bàn thành phố và cả nước. UBND thành phố Đà Nẵng cũng ban hành những chính sách khuyến khích nhằm hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp, những ý tưởng kinh doanh, khát vọng làm giàu chính đáng của hàng ngàn sinh viên, thanh niên và những doanh nghiệp trẻ.

Sau gần 8 tháng, bước đầu đã hình thành môi trường khởi nghiệp khá tốt trên địa bàn Đà Nẵng; thu hút khá nhiều doanh nghiệp, doanh nhân và các tổ chức, các trường đại học trong và ngoài nước tham gia. Tuy nhiên, để Đà Nẵng thực sự trở thành thành phố khởi nghiệp là câu chuyện dài, còn nhiều việc phải làm, nhất là việc hoàn thiện các văn bản pháp luật và việc tuyên truyền khởi nghiệp…

Nhiều ý kiến tại các hội thảo do Hội đồng Điều phối hoặc Vườn ươm doanh nghiệp thành phố tổ chức tập trung đưa ra những khó khăn về vốn, mặt bằng. Về vấn đề này, thành phố đã có giải pháp dành một phần diện tích đất đáng kể tại các khu công nghiệp đang đầu tư, hoặc mới hình thành để ưu tiên cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Song, đây chỉ là giải pháp tạm thời; về lâu dài, nếu khởi nghiệp thành công, các doanh nghiệp phải thuê đất sòng phẳng như các doanh nghiệp khác khi có nhu cầu mở rộng sản xuất.

TS Nguyễn Phú Thái, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng cho rằng, sự hỗ trợ phát triển khởi nghiệp là cần thiết, nhưng việc hỗ trợ thuế, hỗ trợ mặt bằng là không thể; thành phố chỉ có thể hỗ trợ bằng chính sách, các khoản vay từ quỹ hỗ trợ với lãi suất thấp và hỗ trợ về thông tin... Muốn vậy, các ý tưởng khởi nghiệp phải có hướng đi đúng, sản phẩm phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường và được xã hội chấp nhận. Việc khởi nghiệp là một quá trình lâu dài và phải được thực hiện từ khi các doanh nhân còn ngồi trên ghế nhà trường, kể cả các trường phổ thông.

Ông Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân cho biết: “Trường Đại học Duy Tân đã triển khai khá sớm việc khởi nghiệp ngay sau khi thành phố có chủ trương xây dựng Đà Nẵng là thành phố khởi nghiệp nhưng hiệu quả chưa cao”.

Theo ông Hải, việc khởi nghiệp của thầy và trò nhà trường còn khá lúng túng, gặp nhiều khó khăn. Nhiều sản phẩm, công trình làm ra không tiêu thụ được, hoặc thiếu kinh phí nên chưa được ứng dụng nhiều vào thực tiễn. Việc phát triển để trở thành sản phẩm được nhiều người tiêu dùng sử dụng còn hạn chế nên các câu lạc bộ khởi nghiệp trong trường, hoặc các nhóm nghiên cứu có những sản phẩm phát triển, trở thành các doanh nghiệp chưa cao.

Trong khi đó, nguồn kinh phí phục vụ nghiên cứu khoa học của thành phố do Sở Khoa học và Công nghệ quản lý khá dồi dào (gần 20 tỷ đồng) nhưng việc giải ngân để hỗ trợ nghiên cứu khoa học rất khó khăn, từ đầu năm 2016 đến nay mới chỉ giải ngân cho một dự án ở mức khiêm tốn (khoảng dưới 200 triệu đồng).

Nguyên nhân do cơ chế để tài trợ cho các dự án, các công trình nghiên cứu khoa học từ nguồn vốn này có nhiều quy định lạc hậu, không phù hợp với thực tiễn nên không giải ngân được. Vì vậy, để khởi nghiệp thành công còn phụ thuộc khá nhiều vào các chủ trương, chính sách từ Trung ương và thành phố trong tương lai.

Ông Phan Hải, Giám đốc Công ty Giày BQ, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố cho rằng, cần xây dựng thương hiệu “Đà Nẵng - Thành phố khởi nghiệp” nhằm thu hút nhà đầu tư, dự án khởi nghiệp, quỹ đầu tư, nhà tư vấn; đồng thời, phải đánh giá đúng năng lực cốt lõi của thành phố, cũng như những lợi thế khi có Hội đồng Điều phối và Vườn ươm doanh nghiệp để xây dựng Đà Nẵng là điểm đến của các doanh nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp.  

ĐỨC THỊNH

.