.

Tiếp cận thị trường TPP

.

Đón trước xu thế hội nhập, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng đã chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường ra nước ngoài, trong đó có các quốc gia tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) như Mỹ, Nhật Bản, Malaysia… và bước đầu thu được kết quả.

Nhiều doanh nghiệp như dệt-may, giày da… đã chủ động tìm kiếm thị trường và nguồn nguyên liệu mới nhằm tận dụng lợi thế từ Hiệp định TPP. Ảnh: KHÁNH HÒA
Nhiều doanh nghiệp như dệt-may, giày da… đã chủ động tìm kiếm thị trường và nguồn nguyên liệu mới nhằm tận dụng lợi thế từ Hiệp định TPP. Ảnh: KHÁNH HÒA

Chủ động tìm kiếm đối tác

Tháng 5-2015, Công ty TNHH Hải Vân Nam tiếp tục thành công trong việc trở thành đối tác với Tập đoàn Siemens (Mỹ). Đây là một trong những kết quả công ty đạt được của quá trình nâng cao chất lượng sản phẩm, mạnh dạn đón đầu xu thế hội nhập, tìm kiếm và mở rộng ra thị trường nước ngoài. Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Giám đốc Công ty TNHH Hải Vân Nam cho biết, hiện nay, công ty không chỉ kinh doanh vật tư thiết bị điện cao, trung và hạ thế ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên mà còn mở rộng ra cả nước cũng như ký kết hợp đồng với nhiều đối tác nước ngoài như: Mỹ, Canada, Úc…; từ đây mở ra một thị trường rộng lớn, góp phần mang lại những hợp đồng kinh tế ổn định cho doanh nghiệp, đồng thời là động lực để công ty không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đánh giá được những thách thức khi các hiệp định kinh tế chính thức có hiệu lực, một số doanh nghiệp dệt-may có quy mô lớn tại Đà Nẵng cũng đã chủ động đầu tư nguồn nguyên liệu, đáp ứng yêu cầu của TPP, tiêu biểu như Tổng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ. Từ năm 2012, Tổng Công ty đầu tư 20.000 cọc sợi và chủ động khai thác nguồn sợi từ các nước tham gia TPP… Nhờ vậy, sản lượng sợi của doanh nghiệp này đạt 15.000 tấn trong năm 2015 và cơ bản đáp ứng nhu cầu dệt vải làm nguyên liệu cho sản phẩm may mặc xuất khẩu. Ngoài ra, để đáp ứng các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật từ các thị trường truyền thống lâu năm như Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Tổng Công ty nhiều năm qua đã có nhiều cải tiến, điều chỉnh phù hợp; nhờ đó, khi tham gia TPP, Tổng Công ty sẽ có nhiều thuận lợi để tăng thị phần xuất khẩu.

Đối với Công ty CP Dệt-may 29-3, nhờ nắm vững yêu cầu của TPP, công ty đã chủ động hợp tác lâu dài với các đơn vị cung cấp sợi trong nước nên chủ động nguồn hàng ổn định. Hiện nay, mỗi năm, công ty sử dụng khoảng 600-700 tấn sợi cho công đoạn dệt. Đại diện một số doanh nghiệp dệt may khác cũng cho biết, họ có kế hoạch tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế nguồn hàng của Trung Quốc bằng việc liên doanh liên kết để sản xuất, tự chủ nguồn nguyên liệu.

Bên cạnh sự chủ động của doanh nghiệp thành phố, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã và đang đến Đà Nẵng tìm kiếm cơ hội hợp tác. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không đủ năng lực để đáp ứng các yêu cầu của đối tác nước ngoài, cả về quy mô số lượng lẫn chất lượng. Từng tiếp xúc với một đối tác lớn từ Nhật Bản, ông Hà Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường cho rằng, cơ hội để hợp tác rất lớn nhưng doanh nghiệp chúng ta chưa đủ điều kiện về công nghệ để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp nước ngoài. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều doanh nghiệp cơ khí khi trình độ công nghệ, tiềm lực tài chính và nguồn nhân lực chưa đủ mạnh để tham gia gia công sản phẩm từ đối tác nước ngoài.

Sẽ chuyển biến mạnh mẽ hơn

Ông Võ Văn Nhựt, Tổng Thư ký Hội Cơ khí Đà Nẵng nhìn nhận, đến thời điểm này, những thông tin, kiến thức về TPP đã được các hội viên cập nhật khá đầy đủ. Một số doanh nghiệp từ Nhật Bản đã có những buổi tiếp xúc, đặt vấn đề với doanh nghiệp ngành cơ khí trên địa bàn thành phố về việc gia công sản phẩm cho họ. Toàn thành phố hiện có gần 1.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cơ khí lớn, nhỏ; sản xuất nhiều loại sản phẩm phục vụ tất cả các ngành nông-lâm-ngư nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch, phục vụ nhu cầu trong nước và bước đầu vươn ra thị trường nước ngoài. Mặc dù các buổi tiếp xúc, đàm phán chưa mang lại kết quả như mong đợi, doanh nghiệp của chúng ta chưa tham gia được vào chuỗi sản xuất của các lĩnh vực như ô-tô, đóng tàu…, nhưng điều này cho thấy doanh nghiệp nước ngoài rất quan tâm thị trường Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng. Cơ hội tìm kiếm thị trường để trở thành một mắt xích trong chuỗi sản xuất toàn cầu của doanh nghiệp chúng ta có nhiều triển vọng. Dự đoán những năm 2017-2018, nhiều doanh nghiệp sẽ có bước tiến trong việc mở rộng thị trường ra nước ngoài khi đã chuẩn bị tiềm lực ổn định.

Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Diễn, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Đà Nẵng cho rằng, bên cạnh tâm lý chờ đợi sự hỗ trợ về vốn, công nghệ và chính sách từ chính quyền, nhiều doanh nghiệp, nhất là ở những ngành kinh tế mũi nhọn mà doanh nghiệp Đà Nẵng có thể tham gia khi TPP chính thức có hiệu lực như: dệt may, gia dày, cơ khí chế tạo, công nghệ cao, dịch vụ du lịch, thủy sản… đã có những bước đi đầy thận trọng, mạnh dạn thay đổi công nghệ và hứa hẹn mang lại hiệu quả đáng kể.

KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.