.

Tìm vốn cho khởi nghiệp

.

Vốn luôn là vấn đề “đau đầu” đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp. Ở môi trường khởi nghiệp còn rất trẻ như Đà Nẵng, hành trình tìm vốn đòi hỏi không chỉ sự nỗ lực từ bản thân doanh nghiệp mà còn sự hỗ trợ từ các vườn ươm tạo và chính quyền thành phố.

Các nhóm khởi nghiệp tiếp cận nhà đầu tư thông qua các triển lãm, hội nghị… Ảnh: KHANH NINH
Các nhóm khởi nghiệp tiếp cận nhà đầu tư thông qua các triển lãm, hội nghị… Ảnh: KHANH NINH

Giá trị dự án là điều thu hút nhà đầu tư

Sau khi tham dự vòng chung kết cuộc thi khởi nghiệp Startup Fair 2016 được tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 6 vừa qua, chị Trịnh Thị Hồng (trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) đã tìm được 10 nhà đầu tư thiên thần (các cá nhân, tổ chức đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp từ sớm, khi chưa có lợi nhuận hoặc thậm chí chưa có sản phẩm - PV) trong nước và quốc tế cho dự án sản xuất nước tẩy rửa từ chế phẩm sinh học của mình. Đồng thời, chị xây dựng được mạng lưới gần 600 khách hàng thường xuyên và 28 đại lý phân phối sản phẩm trên địa bàn thành phố.

Điều đáng nói, công thức sản xuất nước rửa chén và lau rửa của chị Hồng… không hề bí mật, bởi chị đã đích thân mang nguyên liệu lẫn sản phẩm mẫu đi phổ biến cách làm cho phụ nữ trong quận. Điểm thu hút đầu tư của dự án này chính là ý nghĩa cộng đồng của nó là việc xử lý rác thải sinh hoạt, đồng thời tạo thêm nguồn thu nhập cho phụ nữ nghèo. Chị Hồng cho biết, từ khía cạnh này, dự án đã thu hút được nguồn vốn tài trợ lớn.

Vốn tài trợ nhằm hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp có tính chất xã hội. Đối với các dự án khởi nghiệp khác, nguồn vốn cần tìm là vốn đầu tư đến từ các nhà đầu tư thiên thần hoặc các quỹ đầu tư mạo hiểm. Tại Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (VUDN), sau hơn 4 tháng ươm tạo, 8 dự án khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực công nghệ thông tin, thương mại điện tử… đã có nhiều bước tiến trong việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư. Ông Lý Đình Quân, Phó Giám đốc VUDN cho biết, một dự án đã kêu gọi được 1 tỷ đồng từ nhà đầu tư thiên thần, nhiều dự án khác đã tìm được nhà đầu tư và đang trong quá trình thương thảo điều kiện để tiếp nhận vốn.

Theo ông Quân, sau quá trình ươm tạo, giá trị của các doanh nghiệp khởi nghiệp đã tăng lên đáng kể về doanh thu, thị trường, năng lực của doanh nhân..., tạo thành điểm thu hút nhà đầu tư. Tuy vậy, vẫn có những thách thức nhất định như nội dung dự án chưa thật sự nổi bật, nhân lực phân tán…

Hiện tại, VUDN đang bước vào đợt ươm tạo thứ hai. Ông Quân cho biết, rút kinh nghiệm từ đợt đầu, các dự án được ươm tạo sẽ được chọn lựa kỹ hơn về chất lượng sản phẩm, đội ngũ nhân sự, thị trường… Đồng thời, những dự án thuộc các lĩnh vực mà Đà Nẵng có lợi thế như công nghệ thông tin và dịch vụ sẽ được chú trọng. “Cần chứng tỏ cho nhà đầu tư thấy mình có giá trị như thế nào thì mới thu hút được họ rót vốn”, ông Quân nói.

Sẵn sàng để đón các quỹ đầu tư

Hiện nay, nguồn vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Đà Nẵng chỉ đến từ các nhà đầu tư thiên thần, hầu như không có bóng dáng của các quỹ đầu tư mạo hiểm. Đây là loại quỹ hình thành từ vốn góp của các thành viên, nhằm đầu tư mạo hiểm cho các dự án khởi nghiệp vốn có tỷ lệ rủi ro cao. Anh Thống Lê Anh Tuấn, trưởng nhóm khởi nghiệp ZODY (ứng dụng di động) cho biết, các quỹ mạo hiểm cho khởi nghiệp tập trung chủ yếu ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Muốn tiếp cận, các doanh nghiệp khởi nghiệp Đà Nẵng thường phải đến hai thành phố này để làm việc trực tiếp, thậm chí có khi phải dời cả văn phòng đến đó. Điều này có thể dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám khởi nghiệp”.

Chị Hà Thanh An, Trưởng nhóm khởi nghiệp AntBuddy (nhóm đoạt giải nhất trong cuộc thi khởi nghiệp Startup Fair 2016) chia sẻ: “Để dự án khởi nghiệp phát triển  bền vững rất cần có nguồn vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, bởi chỉ mỗi nhà đầu tư thiên thần thì sẽ không đủ sức”. Tuy vậy, theo ông Lý Đình Quân, tại thời điểm này, việc chưa xuất hiện của các quỹ đầu tư mạo hiểm ở thành phố không phải là một vấn đề, bởi khởi nghiệp ở Đà Nẵng còn rất mới, thị trường chưa đủ lớn để có quỹ đầu tư mạo hiểm. Ông Quân đánh giá có thể trong 1 đến 2 năm nữa, các “con cá mập” sẽ bắt đầu “bơi” vào “biển” Đà Nẵng. Tuy vậy, “nếu khôn ngoan, các quỹ đầu tư mạo hiểm nên đặt văn phòng đại diện tại Đà Nẵng vào thời điểm này để đi trước đón đầu”, ông Quân nói.

Theo anh Anh Tuấn, việc quan trọng nhất hiện nay là tạo ra mạng lưới và xây dựng tốt các mối quan hệ với những nhà đầu tư thiên thần, các vườn ươm quốc gia và quốc tế. Ông Quân cho biết, thời gian đến, VUDN sẽ tổ chức các hội thảo, giao lưu với những doanh nhân đã khởi nghiệp thành công, các nhà đầu tư thiên thần tiềm năng để mở rộng nguồn quỹ. Bên cạnh đó, bản thân Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố cũng sẽ trở thành một nhà đầu tư thiên thần cho các dự án khởi nghiệp. Cuối tháng 7 vừa qua, Hội đồng đã quyết định đầu tư cho 1 trong số 8 dự án đã được VUDN ươm tạo.

Hiện nay, Hội đồng Điều phối mạng lưới Khởi nghiệp Đà Nẵng đang dự thảo “Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng đến năm 2020” để trình UBND thành phố ban hành vào cuối năm 2016. Theo đó, sẽ thành lập thí điểm các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp và quỹ hỗ trợ hợp tác công tư (PPP) cho Đà Nẵng.  Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang xây dựng Dự thảo Thông tư hướng dẫn về việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của Quỹ Đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo. Đây sẽ là những khung pháp lý quan trọng để khởi nghiệp Đà Nẵng đón các quỹ đầu tư trong thời gian đến.

KHANG NINH

;
.
.
.
.
.