Thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ, Tổng cục Hải quan đặt mục tiêu rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới, năm 2016 tối đa 10 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu, 12 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu.
Xe container vận chuyển nông, thổ, sản xuất khẩu chờ thông quan tại Chi cục Hải quan Tân Thanh-Cục Hải quan Lạng Sơn tháng 1/2015. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN) |
Như vậy, mục tiêu sẽ giảm 3 ngày đối với hàng xuất; 2 ngày với hàng nhập so với mục tiêu của năm ngoái lần lượt là (13 và 14 ngày).
Toàn ngành phấn đấu đến năm 2020, thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới dưới 36 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 41 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu.
Đồng thời, cơ quan này giảm tỷ lệ lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30-35% hiện nay xuống còn 15% đến hết 2016. Bảo đảm hàng năm, ngành hải quan cắt giảm tối thiểu 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.
Để hoàn thành mục tiêu trên, cơ quan này rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Đồng thời, thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành, áp dụng rộng rãi thông lệ quốc tế, chuyển căn bản sang hậu kiểm.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng triển khai mở rộng đối với thủ tục hành chính của các Bộ đã triển khai trên cổng thông tin điện tử hải quan một cửa quốc gia.
Cơ quan này đã hoàn thành kết nối giữa Hệ thống VNACCS/VCIS với hệ thống công nghệ thông tin của các nước ASEAN phục vụ quản lý hàng hóa và phương tiện vận tải quá cảnh trong khu vực ASEAN.
Đồng thời, vận hành Cơ chế một cửa ASEAN hướng tới mục tiêu thực hiện trao đổi thông tin giữa các quốc gia thông qua Cổng thông tin đầy đủ, kịp thời và hiệu quả.
Tổng cục Hải quan cũng triển khai hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Liên minh kinh tế Á-Âu (Nga, Belarus, Kazakhstan, Acmenia, Kyrgyzstan) về kết nối và trao đổi thông tin trong khuôn khổ hợp tác hải quan.
Đồng thời thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi thương mại (TF), tạo thuận lợi cho hàng Việt Nam xuất khẩu và kiểm soát hàng nhập khẩu.
Ngoài ra, ngành hải quan tăng kiểm tra sau thông quan trên cơ sở áp dụng đầy đủ kỹ thuật quản lý rủi ro, ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng cải cách hiện đại hóa hải quan và định hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Bên cạnh đó, việc hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, tạo thuận lợi đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa được thực hiện.
Đồng thời, ngăn chặn kịp thời trường hợp cố tình gian lận gây thất thu cho ngân sách nhà nước, góp phần hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách của ngành./.
Vietnam+