Sáng 15-9, tại Hà Nội, Công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới (Brand Finance) đã chính thức công bố Danh sách Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2016.
Khách hàng tham quan và mua sắm sản phẩm của Vinamilk. (Ảnh: Nguyễn Văn Nhật/TTXVN) |
Đây là năm thứ 2 Brand Finance phối hợp với Công ty tư vấn thương hiệu Mibrand công bố danh sách này tại Việt Nam và ghi nhận sự phát triển và tăng trưởng của các thương hiệu dẫn đầu.
Báo cáo của Công ty Brand Finance cho thấy, tổng giá trị của Top 50 thương hiệu hàng đầu Việt Nam được ghi nhận đạt 7,26 tỷ USD. Hầu hết các thương hiệu lớn trong danh sách này thể hiện các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt kịp với xu thế toàn cầu về đầu tư vào giá trị vô hình trong doanh nghiệp là giá trị thương hiệu như Vinamilk, Masan Group, FPT của Việt Nam hay Seach365 của châu Á…
Tại sự kiện, đại diện của 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam đã được Brand Finance trao chứng nhận chính thực về thứ hạng, giá trị thương hiệu và chỉ số sức khỏe thương hiệu tại thị trường Việt Nam.
Đây là bảng xếp hạng duy nhất có phương pháp định giá thương hiệu đáp ứng các tiêu chuẩn của ISO (ISO 10668 về tiêu chuẩn định giá), giá trị thương hiệu do Brand Finance công bố được phép sử dụng với cơ quan thuế, kiểm toán và sử dụng trong các cuộc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A). Do đó, có thể khẳng định chứng nhận của Brand Finance dành cho Top 50 thương hiệu mang nhiều giá trị thiết thực.
Theo ông Samir Dixit, Giám đốc điều hành Brand Finance Châu Á-Thái Bình Dương, năm 2016 ghi dấu những tiến bộ vượt bậc của các doanh nghiệp Việt. Cùng với đó là rất nhiều bứt phá ngoạn mục trên bảng xếp hạng cho thấy nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về giá trị thương hiệu nói riêng và giá trị kinh nghiệm tư vấn toàn cầu, chắc chắn sẽ tham gia vào quá trình đi lên của các thương hiệu Việt Nam.
Ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty tư vấn thương hiệu Mibrand kiêm đại diện Brand Finance tại Việt Nam chia sẻ, trước đây và hiện nay rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa ý thức được đầy đủ giá trị tài sản vô hình là thương hiệu.
Có lẽ vì thế mà không ít doanh nghiệp đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội trong quá trình mua bán sáp nhập, khi mà các thương hiệu chưa được tính toán đầy đủ vào giá trị thương vụ.
Do đó, phải khẳng định rằng thương hiệu là tài sản vô hình lớn nhất của doanh nghiệp. Vì vậy, xây dựng và phát triển thương hiệu không chỉ nhằm phục vụ mục đích kinh doanh ngắn hạn mà là cả một sự đầu tư bền vững cho tương lai./.
Vietnam+