.

Đà Nẵng - điểm đến lý tưởng cho doanh nghiệp Nhật Bản

.

Đà Nẵng được xem là điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) bởi giá nhân công rẻ và môi trường thuận lợi. Tuy nhiên, việc thiếu hụt nguồn nhân lực CNTT, thiếu không gian làm việc cho DN, chất lượng đào tạo tại các trường học chưa đáp ứng nhu cầu... gây trở lực không nhỏ cho các DN Nhật.

Tại hội thảo, các đơn vị, doanh nghiệp ký kết thỏa thuận hợp tác về phối hợp trao đổi thông tin, hỗ trợ, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư.
Tại hội thảo, các đơn vị, doanh nghiệp ký kết thỏa thuận hợp tác về phối hợp trao đổi thông tin, hỗ trợ, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư.

Đó là những nội dung chính được các đại biểu chia sẻ tại hội thảo “Hợp tác đầu tư Công nghệ thông tin và Truyền thông Nhật Bản - Đà Nẵng” tổ chức sáng 8-9. Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ Chương trình DaNang ICT Day 2016 do Sở Thông tin-Truyền thông và Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố tổ chức. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh tham dự và phát biểu tại hội thảo.

Môi trường đầu tư thuận lợi

Tính đến nay, Nhật Bản là quốc gia có số dự án đầu tư lớn nhất tại Đà Nẵng với 112 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 397 triệu USD, chiếm gần 10,8% tổng vốn đầu tư trên toàn thành phố, giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 30.000 lao động địa phương và các tỉnh lân cận.

Theo thống kê của Trung tâm Xúc tiến đầu tư (TTXTĐT) thành phố, tới tháng 8-2016, đã có 55 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Đà Nẵng trong lĩnh vực CNTT và truyền thông (ICT) với tổng số vốn đầu tư đạt 12,5 triệu USD, trong đó có 24 dự án của DN Nhật Bản.

Bằng những chính sách ưu tiên, thành phố đã tạo nhiều điều kiện hỗ trợ cho DN phần mềm Nhật Bản như: giảm chi phí thuê mặt bằng, giảm thuế thu nhập DN, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực… “Hiện phần lớn các DN CNTT tại thành phố chủ yếu lắp ráp điện tử và gia công xuất khẩu phần mềm với số lượng lao động chưa nhiều, nên khả năng cạnh tranh với các DN nước ngoài còn khiêm tốn.

Tuy nhiên trong thời gian tới, ngành CNTT tại thành phố sẽ phát triển mạnh giúp các DN mở rộng sản xuất và tăng sức cạnh tranh trên thị trường”, bà Huỳnh Liên Phương, Phó Giám đốc TTXTĐT Đà Nẵng cho biết.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia Nhật Bản tỏ ra hài lòng về môi trường sống ở Đà Nẵng và không ít DN có ý định sẽ mở công ty hoặc chi nhánh tại đây trong thời gian tới. Ông Tsuginori Furukawwa, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Đà Nẵng, Giám đốc Công ty TNHH Phần mềm máy tính Nhật Bản chia sẻ: “Ban đầu khi chọn đầu tư tại Đà Nẵng, chúng tôi chẳng có suy nghĩ gì nhiều.

Chỉ thấy nơi đây là môi trường lý tưởng cho các nhà đầu tư, cho các chuyên gia đến sinh sống và làm việc. Chúng tôi cho rằng, việc chọn Đà Nẵng là điểm đến gia công phần mềm là hoàn toàn đúng đắn. Chúng tôi có thể bay từ Đà Nẵng đi các tỉnh, thành phố hai đầu đất nước Việt Nam cũng như sang các nước rất dễ dàng”.

Tuy nhiên các DN Nhật Bản khi có ý định đầu tư vào Đà Nẵng còn lo lắng về không gian làm việc, cũng như cho rằng các khu CNTT tập trung và Khu công nghệ cao còn xa trung tâm, thành phố cần đầu tư thêm về hạ tầng và chất lượng dịch vụ, tạo thủ tục hải quan thông thoáng… mới thu hút nhiều DN Nhật Bản đến với thành phố.

Cần nâng cao năng lực đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư nước ngoài trên lĩnh vực này. Ảnh: HOÀNG HÂN
Cần nâng cao năng lực đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư nước ngoài trên lĩnh vực này. Ảnh: HOÀNG HÂN

“Nóng” bài toán nguồn nhân lực

Một trong những vấn đề “nóng” được các đại biểu đưa ra là làm sao đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ tiếng Nhật để cung ứng cho các DN đến từ “đất nước mặt trời mọc”. Như phát biểu của ông Yoshitaka Kurihara, Cố vấn đầu tư cao cấp Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO): “Nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học ưu tú nhưng lại thiếu kinh nghiệm làm việc, cho nên chúng tôi phải giải thích rất nhiều lần khi trao đổi công việc. Nếu 6-7 năm tới, chất lượng đào tạo không cải tiến, tăng số lượng kỹ sư CNTT thì sẽ khó thu hút các dự án CNTT tiềm năng”.

Theo ông Yoshitaka Kurihara, Nhật Bản đang tích cực tiếp nhận nguồn nhân lực kỹ thuật cao trong lĩnh vực ICT từ nước ngoài. Vì vậy, Đà Nẵng nên cử lao động sang Nhật học tập mô hình kinh doanh mới, sau đó về phát triển các dự án cho thành phố là cần thiết. Về vấn đề này, Giám đốc TTXTĐT thành phố Lê Cảnh Dương cho hay, hiện có nhiều trường đại học, cao đẳng đã chủ động phối hợp với các DN nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, mở các lớp dạy tiếng Nhật cho sinh viên CNTT cũng như tăng chỉ tiêu đào tạo về nhân lực ngành ICT, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng nhanh của DN Nhật Bản trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh khẳng định, Đà Nẵng đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư của thành phố như: xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cho các khu CNTT với chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn; đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và tập trung đào tạo nguồn nhân lực ICT có trình độ cao, thông thạo ngoại ngữ… nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Trong thời gian tới, chính quyền thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Nhật Bản gặp gỡ DN trong nước cũng như thiết lập và triển khai dự án đạt hiệu quả tại Đà Nẵng.

DaNang ICT Day 2016 diễn ra trong 2 ngày (8 và 9-9) tại Đà Nẵng gồm các hoạt động: Hội thảo “Hợp tác đầu tư Công nghệ thông tin và Truyền thông Nhật Bản - Đà Nẵng”; Triển lãm về thành tựu và tiềm năng phát triển ngành ICT của thành phố Đà Nẵng; Giới thiệu, kết nối DN; Tour thực địa tham quan DN, cơ sở đào tạo nhân lực. Đây là sự kiện nhằm quảng bá tiềm năng, thu hút đầu tư phát triển dịch vụ ICT, đặc biệt là thu hút DN từ thị trường Nhật Bản vào Đà Nẵng và tạo diễn đàn để các tổ chức, DN trong nước và nước ngoài kết nối, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.