Nhằm tăng cường các nguồn lực thực hiện các dự án trong quá trình cải cách khu vực công, thời gian qua, Đà Nẵng tích cực nghiên cứu, triển khai thí điểm một số hình thức của mô hình hợp tác công - tư (PPP).
Dự án đường Hoàng Văn Thái nối dài đi Bà Nà đang mang lại hiệu quả cao. |
Đây là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp để thực hiện, quản lý, vận hành dự án kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.
Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND thành phố ban hành quyết định quy định về đầu tư theo hình thức PPP. Đến nay, việc triển khai các dự án đang tích cực thực hiện.
Mặc dù chưa được rộng khắp, nhưng đã có 38 danh mục dự án với tổng vốn đầu tư hơn 17.400 tỷ đồng; trong đó, gần 10 dự án đã và đang áp dụng khá hiệu quả mô hình này. Đó là giải pháp tích cực thu hút khu vực tư nhân tham gia, nhằm giảm áp lực chi ngân sách cho các dịch vụ công của thành phố. Hoạt động hợp tác công - tư của Đà Nẵng mới đi vào triển khai trong thời gian gần đây, nhưng đã góp phần giải quyết vấn đề hiệu quả thấp của đầu tư công cũng như về vốn trong đầu tư.
Thực tế, đối với mô hình hợp đồng BT (xây dựng-chuyển giao), BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao), O&M (sở hữu - kinh doanh) của các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông, Đà Nẵng đã có những công trình tiêu biểu đạt kết quả cao như: Dự án đường Hoàng Văn Thái nối dài đi Bà Nà với vốn đầu tư huy động hơn 1.072 tỷ đồng; dự án hạ tầng kỹ thuật Khu tái định cư Hòa Hiệp 4 với vốn đầu tư huy động hơn 101 tỷ đồng; dự án đường Nguyễn Tất Thành nối dài đến Khu đô thị Quan Nam - Thủy Tú có vốn đầu tư huy động 269 tỷ đồng… Bên cạnh đó, những công trình đang chuẩn bị công tác đầu tư như Dự án cảng Liên Chiểu, Dự án hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư Phần Lăng, Dự án xử lý nước thải trong Khu công nghiệp Hòa Khánh… cũng có vốn kêu gọi rất lớn. Mặc dù vẫn đang trong giai đoạn mới mẻ tại Đà Nẵng, nhưng các dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác cho thấy bảo đảm chất lượng, rút ngắn tiến độ đầu tư. Nhiều dự án quan trọng được đầu tư theo các hình thức này, bước đầu áp dụng thành công và đạt hiệu quả cao trong một số lĩnh vực như: giao thông, môi trường, y tế, văn hóa, giáo dục...
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cho biết: Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước gặp nhiều khó khăn, việc kêu gọi khu vực kinh tế tư nhân tham gia đầu tư theo hình thức PPP các công trình kết cấu hạ tầng cấp bách là cần thiết. Hiện nay, Đà Nẵng đang có rất nhiều công trình dự án PPP cần vốn để triển khai thực hiện như Dự án Bệnh viện quốc tế Vimec Đà Nẵng, Dự án trang thiết bị y tế Bệnh viện Đà Nẵng, Dự án trang thiết bị Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, Dự án đường Trần Hưng Đạo nối dài, Dự án công trình giao thông qua Sông Hàn, cải tạo và nâng cấp rạp Lê Độ…
Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đang kiến nghị mở rộng kêu gọi mô hình đầu tư công - quản lý tư đối với các thiết chế văn hóa, các cơ sở văn hóa giáo dục theo dạng O&M cho một số công trình như: Nhà thi đấu, sân vận động, Trung tâm hội chợ triển lãm, Nhà hát Trưng Vương, các sân tennis…
Tuy nhiên, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cũng gặp phải khó khăn trong triển khai thực hiện dự án theo hình thức PPP liên quan như: các chính sách ưu đãi, thiếu thông tư hướng dẫn lập mẫu hợp đồng, mẫu hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu và các hồ sơ khác có liên quan đến công tác đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư... để thành phố có căn cứ hướng dẫn các nhà đầu tư quan tâm đến các dự án PPP trên địa bàn thành phố; đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm có kế hoạch tổ chức các lớp hướng dẫn, tập huấn về triển khai dự án theo hình thức đối tác công-tư.
Bài và ảnh: Thành Lân