.
ĐƯA NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG VÀO CUỘC SỐNG

Phát triển mạnh nông nghiệp đô thị

.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020 chỉ rõ: “Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển toàn diện cả về nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng hiện đại. Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất và chế biến, tạo ra các vùng chuyên canh công nghệ cao, phục vụ cho du lịch và đô thị trung tâm…”. Để đưa nghị quyết vào cuộc sống, ngành nông nghiệp thành phố đã triển khai nhiều giải pháp và đạt được những kết quả bước đầu.

Thành tựu nổi bật là từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh ứng dụng khoa học công nghệ; trong đó xác định 3 loại nông sản chủ lực cần được ưu tiên đầu tư, đó là: lúa chất lượng cao, rau an toàn và hoa cao cấp.

Với diện tích hơn 2.600ha, chiếm khoảng 80% đất canh tác, lúa vẫn là loại cây trồng chủ lực của nông nghiệp ở Đà Nẵng. Với quyết tâm làm ra lúa chất lượng cao, ngành nông nghiệp chú trọng sản xuất lúa hữu cơ và lúa giống. Vụ đông xuân vừa qua, 50ha lúa hữu cơ ở hai xã Hòa Phước và Hòa Tiến, huyện Hòa Vang lần đầu tiên đạt năng suất kỷ lục trên 70 tạ/ha. Ưu việt của loại lúa này là đảm bảo độ an toàn tuyệt đối, bởi quá trình sản xuất không sử dụng phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật. Với lúa giống, vụ đông xuân 2015-2016, ở xã Hòa Tiến có 2 hợp tác xã canh tác 70ha, năng suất hơn 60 tạ/ha. Đây là loại lúa đem lại giá trị kinh tế cao, giá bán ra gấp 1,2 - 1,3 lần so lúa thường. Nhân rộng mô hình này, huyện Hòa Vang đã mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật cho các hợp tác xã, liên kết với các doanh nghiệp chuyên sản xuất lúa giống, đưa giống mới chất lượng cao vào canh tác. Cùng với đó, ngân sách huyện hỗ trợ hơn 400 triệu đồng cho 2 hợp tác xã Hòa Nhơn và Hòa Phong 2 lắp đặt 2 lò sấy thóc, công suất 4 tấn/mẻ.

 Đối với cây rau, sau khi nhận thấy nhu cầu thị trường rất lớn, hiệu quả kinh tế vượt trội, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi đất lúa sang trồng rau. Điển hình là vùng rau Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương. Tại đây, cùng với diện tích 7ha của Dự án QSEAP, bà con Phú Sơn Nam mở rộng thêm 3ha từ đất lúa. Thu nhập cao thôi thúc nhiều hộ vùng này tiếp tục chuyển đất lúa sang trồng rau.

 Ông Nguyễn Văn Lý, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang cho biết: Sau thời gian nỗ lực triển khai, đến nay đã có nhiều hộ tâm huyết, gắn bó với cây rau. Diện tích trồng rau an toàn tập trung trên địa bàn huyện tăng gấp 2 lần so trước đây. Hiện tại 10ha rau đã lắp đặt nhà lưới, trong đó 3ha có hệ thống tưới tiết kiệm bằng vòi phun xoay. Một số loại rau cao cấp đang trồng khá phổ biến như cải bó xôi, dưa lưới, khổ qua, ngô bao tử… hiệu quả kinh tế đạt trên 400 triệu đồng/ha/năm.

“Với hoa tươi, tuy đã có sự phát triển khá vững chắc song vẫn rất khiêm tốn so nhu cầu rất lớn của thị trường đô thị. Ngoài 3 vùng trồng hoa lớn ở các xã Hòa Phước, Hòa Châu, Hòa Liên, thời gian tới, Phòng NN&PTNT huyện sẽ tập trung đầu tư xây dựng một số vùng ở các xã Hòa Phong, Hòa Tiến, Hòa Khương”, ông Nguyễn Văn Lý cho biết. Đến các vùng trồng hoa trên địa bàn Hòa Vang, chúng tôi thấy diện tích trồng hoa cúc bán ngày rằm, mồng một và cúc chậu bán vào dịp Tết đã giảm đáng kể, thay vào đó là các loại hoa cao cấp như lan cắt cành Mokara, phong lan, hướng dương, đồng tiền, dạ yến thảo… Tiếp nối 4 mô hình trồng hoa cao cấp được hỗ trợ 300 triệu đồng/mô hình từ ngân sách thành phố, vừa qua, huyện Hòa Vang đầu tư 200 triệu đồng xây dựng nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm tại 2.000m2 ở vùng hoa Dương Sơn, xã Hòa Châu.

Có thể nói, nông nghiệp đô thị, ứng dụng khoa học công nghệ ngày càng mở rộng và đầu tư có chiều sâu ở huyện Hòa Vang. Với bước phát triển này, tin chắc những mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ thành phố lần thứ XXI đặt ra cho ngành nông nghiệp sẽ thành hiện thực.

 Nguyễn Cầu

;
.
.
.
.
.