Kinh tế

Giải quyết vướng mắc, đẩy mạnh thu hút FDI Nhật Bản

08:23, 23/09/2016 (GMT+7)

Sáng 22-9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chủ trì buổi đối thoại thường niên với Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng nhằm tháo gỡ vướng mắc và tiếp nhận đề xuất của các doanh nghiệp (DN), qua đó cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đẩy mạnh thu hút FDI Nhật Bản vào Đà Nẵng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản thường xuyên có các đề xuất, kiến nghị đối với thành phố để cải thiện môi trường đầu tư.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản thường xuyên có các đề xuất, kiến nghị đối với thành phố để cải thiện môi trường đầu tư.

Phát triển cơ sở hạ tầng

Buổi đối thoại được làm “nóng” bởi những kiến nghị của DN Nhật Bản về lĩnh vực quy hoạch, cơ sở hạ tầng. Ông Nobuo Kamioka, Tổng Giám đốc Công ty Tokyo Keiki (Khu Công nghệ cao Đà Nẵng - KCNC) cho biết, việc tuyển dụng lao động gặp trở ngại do đường đi từ trung tâm thành phố đến công ty quá xa. Theo ông Kamioka, so với cơ sở cũ của công ty tại Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh, lượng công nhân ứng tuyển vào cơ sở chỉ bằng 1/10. Các DN Nhật Bản tại KCNC bày tỏ hy vọng tuyến đường Nguyễn Tất Thành nối dài sẽ sớm hoàn tất, tạo thuận lợi để người lao động ở KCNC đi lại.

Trả lời ông Kamioka, đại diện Ban quản lý (BQL) các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên cho biết, trong buổi làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB) vừa qua, BQL cam kết giải quyết 96 hồ sơ giải tỏa tồn đọng và bàn giao mặt bằng vào ngày 30-10 tới. Dự kiến tuyến đường sẽ hoàn tất vào ngày 29-3-2017, nối dài từ Km2+715 (giáp với giai đoạn 1) đến Km5+987 (giáp tuyến tránh hầm Hải Vân). Hiện tại, UBND thành phố vẫn hỗ trợ 50% chi phí vận chuyển người lao động đến và đi từ KCNC về trung tâm thành phố. Sau khi thông đường Nguyễn Tất Thành nối dài, sẽ có tuyến xe buýt nhanh đi trên tuyến đường này.

Điều kiện ăn ở, sinh hoạt của các kỹ sư và công nhân cũng được các DN Nhật đặc biệt quan tâm. Ông Takashi Nakata, Tổng Giám đốc Công ty Foster Electric cho biết, nhiều nhân viên trong các DN Nhật Bản phải thuê nhà trọ. Một số nhân viên nữ sau kỳ nghỉ thai sản không có sự hỗ trợ của gia đình, cũng không tìm được chỗ gửi con nên xin nghỉ việc.

Về vấn đề này, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, dự án Trường mầm non One Sky dành cho con em công nhân trong KCN Hòa Khánh đang trong giai đoạn giải tỏa mặt bằng, dự kiến tuyển sinh vào năm học 2017-2018. Trường gần UBND phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu), thuận tiện cho công nhân KCN.

Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh đề nghị Sở Xây dựng khẩn trương chuyển đổi một phần ký túc xá phía tây thành phố thành nơi ở cho công nhân; đồng thời đề xuất địa điểm xây dựng siêu thị, nhà trẻ trong khu vực. Ngoài ra, dự án nhà ở cho công nhân đang trong giai đoạn 3, dự kiến đến năm 2019-2020 sẽ được đưa vào sử dụng. Theo Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh, trong tương lai, các khu dân cư gần đó cũng sẽ góp phần giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất sinh hoạt.

Ông Moriyuki Hosokawa, Tổng Giám đốc Công ty Nippon Seiki cũng nhìn nhận Đà Nẵng đang thiếu văn phòng cho các DN công nghệ thông tin (CNTT); đồng thời bày tỏ sự không hài lòng về nhà cung cấp đường truyền Internet. Công ty Nippon Seiki nằm trong KCNC nhưng không thuộc Công viên Phần mềm nên DN này thuê đường truyền riêng. Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông cho hay, đối với các DN thuộc Công viên Phần mềm, sẽ có 3 đường truyền Internet (của Viettel, VNPT và FPT), nếu một đường truyền gặp sự cố sẽ được tự động đổi sang các đường truyền khác. Nếu DN dùng đường truyền lẻ gặp sự cố, DN nên liên lạc đến tổng đài 1022 của Sở để được xử lý kịp thời.

Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh yêu cầu đẩy nhanh việc triển khai văn phòng cho thuê CNTT trong năm 2017. Sở Thông tin và Truyền thông cần làm việc với các nhà cung cấp mạng, Công ty Điện lực Đà Nẵng để bảo đảm an ninh mạng và điện.

Sản xuất tại một doanh nghiệp Nhật Bản trong khu công nghiệp Hòa Cầm.  					               Ảnh: THÀNH LÂN
Sản xuất tại một doanh nghiệp Nhật Bản trong khu công nghiệp Hòa Cầm. Ảnh: THÀNH LÂN

Liên thông cấp phép lao động cho người nước ngoài

Theo bà Miyazaki Kana, Phó Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) Hà Nội, các khảo sát trước đây của JETRO cho thấy, một trong những điểm yếu của môi trường đầu tư miền Trung đối với DN Nhật Bản là quy trình cấp phép phức tạp, chưa rõ ràng.

Ông Yoshitaka Takao, Tổng Giám đốc Công ty Vijachip chia sẻ vướng mắc trong việc xin giấy phép lao động cho người nước ngoài; DN chưa nắm được đầu mối giải quyết cho loại giấy phép này ở đâu, dẫn đến việc “đi lòng vòng”.

Đại diện Sở Ngoại vụ cho biết, Sở được Bộ Ngoại giao ủy quyền giải quyết các thủ tục về lãnh sự. Hồ sơ của DN trong lĩnh vực này sẽ được giải quyết trong vòng 22 ngày. Sở Ngoại vụ cũng thông báo với các DN Nhật về địa chỉ nhận hồ sơ tại bộ phận “một cửa” của Trung tâm Hành chính, đồng thời sẽ cử phiên dịch tiếng Nhật nếu có yêu cầu. Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh đề nghị Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Sở Ngoại vụ để liên thông thủ tục cấp giấy phép lao động và hợp pháp lãnh sự, giảm thời gian chờ đợi cho DN.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh việc tạo cơ chế liên thông xử lý hành chính cho DN. Đối với các DN trong KCN và KCNC, đầu mối xử lý là các BQL. Các DN ở ngoài có đầu mối là Sở LĐ-TB&XH. Đồng thời, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh giao Sở Nội vụ tiếp tục triển khai cải cách 23 thủ tục hành chính như đã cam kết trong năm 2016, tạo điều kiện thuận lợi cho DN.

Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh cho biết, bên cạnh buổi đối thoại thường niên với UBND thành phố, định kỳ hằng tháng, các sở, ngành đều phải tiếp nhận ý kiến của DN để xử lý. Trong tháng 9, UBND thành phố sẽ ban hành quy trình tiếp nhận xử lý vướng mắc của doanh nghiệp. Nội dung giải quyết sẽ được đăng tải trên cổng thông tin điện tử thành phố. Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các sở ngành liên quan cũng đang xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp trên địa bàn nhằm giúp các đơn vị cùng khai thác.

Ngôn ngữ là rào cản lớn

Ông Satoru Takizawa, Tổng Giám đốc Công ty Daiwa Việt Nam, nêu vấn đề chất lượng lao động CNTT biết tiếng Nhật và phiên dịch viên Nhật - Việt. Theo ông Takizawa, hiện nhiều nhân viên có trình độ N3, N4 tiếng Nhật, nhưng chỉ đủ để đáp ứng các hoạt động sản xuất bình thường. Trong khi đó, ngôn ngữ vẫn là rào cản lớn trong chuyển giao công nghệ. Về chất lượng phiên dịch viên trong các DN nói chung, ông Takizawa thẳng thắn: “So với phiên dịch tiếng Nhật của các chi nhánh Daiwa ở các nước khác, trình độ phiên dịch ở Việt Nam vẫn còn thấp”.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đề nghị các DN Nhật Bản hỗ trợ Đại học Đà Nẵng xây dựng chương trình đào tạo CNTT hoàn toàn bằng tiếng Nhật, bảo đảm nhân lực đầu ra đạt đủ tiêu chuẩn chuyên ngành lẫn ngoại ngữ. Hiện tại, đã có 3 DN Nhật Bản hỗ trợ kinh phí và nhân lực giảng dạy tiếng Nhật cho 3 lớp tại Đại học Đà Nẵng. Theo Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh, thành phố sẽ tiếp tục mở rộng đào tạo tiếng Nhật từ các bậc phổ thông, xem tiếng Nhật là ngoại ngữ thứ hai (bên cạnh tiếng Anh); đồng thời, yêu cầu hằng năm các DN Nhật Bản đăng ký nhu cầu nhân lực với Sở Kế hoạch và Đầu tư để thành phố có kế hoạch đào tạo.

Nhật Bản hiện có số dự án đầu tư lớn nhất tại Đà Nẵng với 112 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 397 triệu USD, chiếm gần 10,8% tổng vốn đầu tư trên toàn thành phố và giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 lao động. Các doanh nghiệp Nhật Bản tập trung vào lĩnh vực chế biến chế tạo, công nghệ thông tin và truyền thông. Đà Nẵng xác định Nhật Bản là thị trường đầu tư lớn nhất cần thu hút.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản liên tục có các đề xuất, kiến nghị đối với thành phố để cải thiện môi trường đầu tư, không cần chờ đến các buổi đối thoại thường niên.

Bài và ảnh: KHANG NINH

.