Đó không chỉ là mong muốn của doanh nghiệp, nhà sản xuất hàng hóa trong nước mà còn là sự chia sẻ của nhà phân phối, bán lẻ trong bối cảnh hàng ngoại ngày một xuất hiện nhiều hơn vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, đường đi của hàng bản địa hiện nay gặp không ít trở ngại bởi những lý do khá cũ: Không bảo đảm yêu cầu đặt ra.
Để vào được kênh phân phối lớn, các nhà sản xuất phải bảo đảm các yêu cầu về chất lượng hàng hóa. |
Đà Nẵng là địa phương không có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp do diện tích canh tác không nhiều. Lâu nay, những sản phẩm nổi bật xuất phát từ nông nghiệp khá khiêm tốn, với tổng nguồn cung tại chỗ mới chỉ đáp ứng dưới 10% nhu cầu của thành phố.
Trong khi đó, những mặt hàng thực phẩm, đặc sản khác cũng chưa có thương hiệu mạnh, đủ sức lan tỏa trên thị trường khu vực. Số doanh nghiệp, cơ sở chế biến tuy nhiều, nhưng quy mô nhỏ lẻ và hầu hết ít có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn để các nhà thu mua yên tâm. Đơn cử với hàng chục hợp tác xã sản xuất trên địa bàn như rau, quả, nấm, nước mắm, bánh tráng, bánh kẹo,… có thể vươn xa hơn ở các thành phố lớn trong nước, nhưng hàng chục năm nay hàng địa phương vẫn luẩn quẩn ở “chợ nhà”.
Đã có nhiều chương trình kết nối, giới thiệu sản phẩm của các đơn vị, hộ sản xuất với đối tác như Siêu thị LotteMart ký kết tiêu thụ sản phẩm của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất kinh doanh tổng hợp nấm Hòa Tiến, HTX Rau La Hường, HTX Rau Túy Loan, HTX Nước mắm Nam Ô. Siêu thị BigC Đà Nẵng, Intimex ký kết với HTX Rau La Hường, HTX Nấm An Hải Đông cung ứng, tiêu thụ sản phẩm rau sạch, nấm các loại... Nhưng nhìn chung số lượng tiêu thụ rất ít. Bà Lê Thị Hiền, Phó Giám đốc Co.opMart Đà Nẵng cho biết: “Trước đây, việc đưa hàng địa phương vào siêu thị cũng không quá gay gắt, nhưng gần đây người tiêu dùng rất quan tâm đến vấn đề chất lượng hàng hóa vì lo sợ thực phẩm độc hại.
Do đó, với yêu cầu đặt ra khắt khe từ phía khách hàng, siêu thị đòi hỏi nhà cung cấp phải đáp ứng các quy trình. Bản thân siêu thị rất ưu ái với hàng địa phương và hướng dẫn khá nhiều đơn vị làm các thủ tục đưa hàng vào đây.
Nhưng chỗ thì vướng giấy tờ, chỗ khác thì thiếu thủ tục”. Hiện nay đã có khoảng 10% hàng thực phẩm Đà Nẵng đưa vào siêu thị Co.opMart Đà Nẵng như chả bò Bà Ngọc, nem - tré Bà Đệ, rượu vang Hibiscus, thịt heo, thịt bò thông qua nhà cung cấp Hai Thuyên, hải sản của ngư dân Đà Nẵng, gia cầm, trứng gà của các trang trại Hòa Vang… Tương tự, người tiêu dùng của siêu thị BigC cũng tiếp cận với các loại nấm của HTX An Hải Đông, lót giày Hương Quế, hải sản khô Phước Tiến…
Đại diện các nhà bán lẻ đều cho rằng, nhu cầu của thị trường rất lớn. Tuy nhiên cái khó nhất là các cơ sở sản xuất tự phát, manh mún, không tập trung, dẫn đến việc cung cấp nguồn hàng thường xuyên bị đứt quãng và số lượng không nhiều. Ông Trần Ngọc Vinh, Chủ nhiệm HTX Đông Hải (làng nghề nước mắm Nam Ô) thừa nhận: Trước đây, sản phẩm nước mắm Nam Ô dù có tiếng nhưng không thể đi xa hơn vì không được quảng bá. Sau khi được chính quyền địa phương, các ngành hỗ trợ, các hộ sản xuất tìm được khách hàng tiêu thụ trực tiếp.
Nhờ đó, có thời điểm nước mắm đóng chai không kịp để xuất hàng. Lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại thành phố cho biết, thông qua Chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm vùng miền do Bộ Công thương chủ trì triển khai khắp cả nước, trong đó Đà Nẵng có rất nhiều đơn vị tham gia.
Điều này giúp các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất địa phương nắm bắt xu thế tất yếu của hội nhập, từ đó tự đánh giá năng lực chính mình và không ngừng phát triển. Đó cũng là cách để các nhà sản xuất địa phương tìm tòi công nghệ kỹ thuật mới, cho ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, cải tiến mẫu mã, đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của thị trường.
Để thúc đẩy việc hình thành chuỗi cung ứng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của từng địa phương với chất lượng tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm, thiết nghĩ các cấp, ngành, địa phương nên theo sát và dành sự quan tâm hơn nữa trong việc hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu sản xuất, hướng dẫn thủ tục tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình sản xuất VietGAP, đầu tư khu chế biến các sản phẩm thực phẩm để giải quyết nguồn hàng cho các HTX, nâng cao giá trị sản phẩm, đem lại thu nhập cao hơn cho người dân…
Từ ngày 1-9-2016, Tập đoàn Vingoup triển khai Chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt” với tổng vốn khoảng 300 tỷ đồng cho năm đầu tiên, trực tiếp hỗ trợ tới 1.000 hợp tác xã và hộ nông dân. Điều kiện tham gia là các hộ sản xuất có quy mô tối thiểu trên 1ha, cam kết sản xuất nông sản sạch, an toàn; ưu tiên những hộ sản xuất đã đạt tiêu chuẩn VietGap hoặc chuyên sản xuất trái cây đặc sản theo vùng miền. Thời gian đăng ký tham gia Chương trình từ ngày 1-9 đến ngày 30-9-2016. Các HTX và hộ sản xuất quan tâm liên hệ qua địa chỉ webside: http://vineco.net.vn. Hotline: 18006880 hoặc qua Email: info@vineco.net.vn |
Bài và ảnh: Duyên Anh