.

Khởi nghiệp với hệ thống tự động chăm sóc nấm

.

Tham gia nghiên cứu khoa học khi còn sinh viên, đề tài nhóm do Bùi Phước Lai làm Nhóm trưởng đã nghiên cứu và ứng dụng thành công “Hệ thống tự động chăm sóc nấm”. Trên cơ sở mô hình thử nghiệm mang lại hiệu quả về kỹ thuật và kinh tế, nhóm thành lập Công ty CP YCJ (đang hoàn thiện hồ sơ đăng ký doanh nghiệp khoa học và công nghệ) để đưa đề tài vào thực tiễn.

Những thành quả đầu tiên khi áp dụng hệ thống chăm sóc nấm tự động.  Trong ảnh: Thành và Lai đang thu hái nấm chuẩn bị đưa ra thị trường.
Những thành quả đầu tiên khi áp dụng hệ thống chăm sóc nấm tự động. Trong ảnh: Thành và Lai đang thu hái nấm chuẩn bị đưa ra thị trường.

Ý tưởng hình thành từ sinh viên

Lai cho biết, hồi còn sinh viên năm 3 của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), trong một lần cùng nhóm bạn về Quảng Nam chơi, thấy bà con trồng nấm nhưng theo phương pháp thủ công vừa tốn sức mà cho ra thành phẩm không được như ý, Lai và nhóm bạn quyết định phải “làm một cái gì đó” để hỗ trợ bà con trồng nấm đỡ vất vả mà vẫn tăng được năng suất. Sau nhiều tháng tìm tòi nghiên cứu, nhóm của Lai hình thành được mô hình đưa vào ứng dụng thực tế.

Mô hình sau đó nhóm phát triển làm đề tài bảo vệ tốt nghiệp. Giờ đây, sau khi ra trường, tuy mỗi người trong nhóm đều “ra riêng” làm việc nhưng ai cũng đau đáu với dự án dang dở của mình. Và rồi, cả nhóm lại tìm đến với nhau để cải tiến, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống. Qua 7 lần cải tiến, đến nay, hệ thống của nhóm gần như hoàn thiện, hoạt động ổn định và có độ bền cao trong môi trường ẩm.

Hệ thống này hoạt động tự động với điều kiện nhà trồng nấm được quây bạt theo diện tích phù hợp. Ở trong đó, sẽ đặt các cảm biến đo nhiệt độ và độ ẩm, đầu ra của cảm biến được kết nối bộ PLC điều khiển. Bộ điều khiển sẽ được người trồng nấm cài đặt giới hạn nhiệt độ và độ ẩm tối ưu theo yêu cầu của từng loại nấm.

Khi nhiệt độ và độ ẩm trong khu vực trồng nấm thấp hơn yêu cầu kỹ thuật của người trồng, cảm biến sẽ truyền tín hiệu về bộ điều khiển trung tâm, khi đó, bộ điều khiển sẽ tự động ra tín hiệu kích hoạt quạt gió, bơm nước hoạt động để cung cấp không khí và độ ẩm cho khu vực trồng nấm. Các thành viên trong nhóm cho rằng, từng loại nấm sẽ thích hợp với điều kiện môi trường có nhiệt độ và độ ẩm khác nhau, vì vậy, người trồng nấm cần thay đổi giới hạn nhiệt độ, độ ẩm phù hợp tại bộ điều khiển PLC để điều khiển các hoạt động của bơm, quạt.

Quyết tâm khởi nghiệp

Trên cơ sở mô hình thử nghiệm mang lại hiệu quả về kỹ thuật và kinh tế, nhóm nghiên cứu thành lập Công ty CP YCJ. Theo các thành viên trong nhóm, mặc dù đã rất cố gắng nhưng do nhóm đều là sinh viên mới ra trường nên vốn đầu tư là một vấn đề lớn. Ban đầu, cả nhóm phải đi làm thêm rất vất vả mới kiếm được vốn đầu tư cải thiện hệ thống và trang trại.

Đặng Văn Thành, quản lý trang trại nấm, cho biết, trong quá trình nghiên cứu, nhóm đã xây dựng mô hình thu nhỏ để chăm sóc thử nghiệm tại phòng. Qua nhiều lần cải tiến, nhóm quyết định xây dựng mô hình mở rộng và đưa vào sản xuất chính thức.

Nhờ quy trình chăm sóc nấm tự động này, người lao động đỡ vất vả hơn, chất lượng nấm cho ra cũng đều và đẹp hơn. Trong kế hoạch kinh doanh sắp đến, Thành cho biết sẽ lắp đặt thêm bồn nước và đèn diệt khuẩn để giúp lắng lọc các kim loại nặng trước khi đưa vào phun tưới cho nấm nhằm bảo đảm sản phẩm ra thị trường có chất lượng tốt nhất.

Hiện, hệ thống tự động chăm sóc nấm của nhóm đã đưa vào hoạt động tại trang trại sản xuất ở thôn An Trạch, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang. Hệ thống còn được áp dụng tại Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố, Hợp tác xã Nấm Hòa Tiến và một số hộ gia đình tại Đà Nẵng, Quảng Nam.

Các thành viên trong nhóm cho biết, vừa qua nhiều đoàn khách đến từ Huế, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương… đã đến khảo sát và có ý định mua các thiết bị cũng như công nghệ của công ty. Các bạn trẻ hy vọng, thời gian tới, hệ thống tự động chăm sóc nấm sẽ ứng dụng ở nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp trồng nấm.

Thành công của nhóm nghiên cứu và Công ty CP YCJ tạo nên một mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hiện đại; qua đó, giúp chăm sóc nấm đúng theo quy chuẩn kỹ thuật và đặc tính sinh trưởng, hạn chế được số lần người ra vào phòng nấm, hạn chế dịch bệnh, giúp tăng sản lượng, chất lượng nấm.

Mặt khác, phôi nấm sau khi đã qua sử dụng có thể tận dụng làm phân bón sinh học hoặc tận dụng làm nấm rơm (đối với phôi nấm linh chi). Lai cho biết thêm, tuy mới đi vào hoạt động nhưng công ty đã giải quyết việc làm cho 3 lao động có trình độ kỹ sư và 8 lao động phổ thông tại địa phương với thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng.

Để hoàn thiện quy trình chăm sóc, sản xuất nấm, công ty cần trang bị thêm nồi hấp phôi. Tuy nhiên, nhóm của Lai cũng trăn trở, do vốn ít nên các thành viên đang tìm nguồn hỗ trợ, và hy vọng sẽ sớm nhận được sự tài trợ của chính quyền, các hội đoàn thể để sớm khai thác và phát huy tối đa công dụng của hệ thống.

Bài và ảnh: Thanh Tình

;
.
.
.
.
.